Bị mất Sổ đỏ có "nguy hiểm" không?

Khi Sổ đỏ bị mất thì nhiều người rất lo lắng vì sợ người khác chuyển nhượng, thế chấp nhà đất của mình. Vậy, Sổ đỏ bị mất có nguy hiểm không? Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.

* Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân dựa theo màu sắc của từng loại Giấy chứng nhận. Tùy theo từng thời kỳ mà “Sổ đỏ”, “Sổ hồng” có tên gọi pháp lý khác nhau như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gọi chung là Giấy chứng nhận).

Khi Giấy chứng nhận bị mất thì người dân không phải quá lo lắng vì những lý do sau:

1. Sổ đỏ không phải là tài sản

Căn cứ khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự số 91/2014/QH13, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tại Điều 115 Bộ luật này cũng quy định rõ quyền tài sản như sau:

"Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác"

Theo đó, quyền sử dụng đất là tài sản, còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản.

Khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 quy định về Giấy chứng nhận như sau:

“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của các luật có liên quan được thực hiện theo quy định của Luật này có giá trị pháp lý tương đương như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Luật này.”

Như vậy, Giấy chứng nhận chỉ là giấy tờ ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp (tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng khác). Hay nói cách khác, nếu mất Giấy chứng nhận thì chỉ mất giấy tờ ghi nhận quyền tài sản chứ không mất tài sản.


2. Mất thì được cấp lại Giấy chứng nhận

Căn cứ Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, khi bị mất Giấy chứng nhận thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có quyền đề nghị cấp lại. Cụ thể như sau:

Bước 1: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có Giấy chứng nhận bị mất phải nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK được ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ:

  • Bộ phận một cửa;
  • Văn phòng/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Sau khi tiếp nhận đơn thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện:

  • Kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận đã cấp được người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khai báo bị mất trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

  • Nếu phát hiện thửa đất, tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận đã được chuyển quyền hoặc đang thế chấp thì thông báo, trả lại hồ sơ cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

  • Nếu không thuộc trường hợp đã chuyển quyền thì chuyển thông tin đến UBND cấp xã nơi có đất để niêm yết; thực hiện đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương trong 15 ngày về việc mất Giấy chứng nhận.

  • Huỷ Giấy chứng nhận

Bước 3: UBND cấp xã có trách nhiệm:

  • Niêm yết công khai về việc mất Giấy chứng nhận tại trụ sở và điểm dân cư nơi có đất trong 15 ngày; đồng thời tiếp nhận phản ánh trong thời gian niêm yết.

  • Trong vòng không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian niêm yết, UBND cấp xã lập biên bản kết thúc niêm yết gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 4: Văn phòng đăng ký đất đai huỷ Giấy chứng nhận đã cấp; đồng thời cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp lại Giấy chứng nhận cho người được cấp.

Xem chi tiết tại: Hồ sơ, thủ tục làm lại Sổ đỏ khi bị mất

3. Không sợ người khác chuyển nhượng, tặng cho... trái luật 

Người khác không được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp nếu không được sự đồng ý của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn khi có đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 131 Luật Đất đai 2024, quy định đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất. Do đó, việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực khi được đăng ký vào sổ địa chính của cơ quan đăng ký đất đai.

Mặt khác, việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp chỉ được thực hiện bởi chính người sử dụng đất hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Như vậy, khi Giấy chứng nhận bị mất thì người đang chiếm giữ Giấy chứng nhận cũng không thể chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở nếu không có ủy quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Kết luận: Vì bất kỳ lý do nào nếu Sổ đỏ bị mất thì cũng không nguy hiểm hay phải lo lắng vì Giấy chứng nhận bị mất thì quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vẫn còn, khi bị mất thì có quyền được cấp lại và người khác cũng không thể chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp nếu không được ủy quyền.

Trên đây là giải đáp thông tin: Sổ đỏ bị mất có nguy hiểm không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(10 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.