Tự ý sang tên Sổ đỏ khi không đủ điều kiện bị phạt thế nào?

Để được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất thì các bên phải có đủ điều kiện, nếu người dân tự ý sang tên Sổ đỏ khi không đủ điều kiện có thể bị xử phạt tới 50 triệu đồng.

1. Điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng

Theo khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai năm 2024, người sử dụng đất chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:

- Đất không có tranh chấp.

- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này.

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

- Còn thời hạn sử dụng đất.

-  Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người dân chỉ được chuyển nhượng đất của mình cho người khác khi có đủ 05 điều kiện trên, nếu không đủ điều kiện trên mà các bên vẫn tự ý chuyển nhượng sẽ bị xử lý nếu bị phát hiện và còn thời hiệu.

Hay nói cách khác, nếu không đủ điều kiện nhưng bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng và bên chuyển nhượng giao đất của mình cho bên nhận chuyển nhượng thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.


2. Phạt tới 50 triệu đồng nếu không đủ điều kiện

Căn cứ khoản 3 Điều 17 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, trường hợp chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất mà không đủ điều kiện thì phạt tiền như sau:

“3. Hành vi chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ một trong các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thừa kế hoặc tặng cho quyền sử dụng đất;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê hoặc cho thuê lại hoặc thế chấp bằng quyền sử dụng đất;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”

Như vậy, trường hợp chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất mà không đủ điều kiện thì có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Ngoài việc bị phạt tiền thì các bên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, cụ thể:

- Buộc bên nhận chuyển quyền, bên thuê, bên thuê lại phải trả lại đất cho bên chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại trừ trường hợp quy định tại điểm d, đ khoản này;

- Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;

- Buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

- Buộc đăng ký đất đai đối với trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định;

- Buộc đăng ký đất đai đối với trường hợp không trả lại được đất do bên chuyển quyền là tổ chức đã giải thể, phá sản, cá nhân đã chết mà không có người thừa kế hoặc chuyển đi nơi khác mà được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm không xác định được địa chỉ và không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Luật Đất đai. Bên nhận chuyển quyền phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do bên chuyển quyền thực hiện hành vi vi phạm gây ra trước khi chuyển quyền.

Kết luận: Đối với trường hợp người dân tự ý sang tên Sổ đỏ khi không đủ điều kiện có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất lên tới 50 triệu đồng. Để không bị xử phạt các bên phải xem xét kỹ điều kiện sang tên và thực hiện theo đúng hướng dẫn tại: Thủ tục sang tên Sổ đỏ chỉ với 3 bước đơn giản.

Mọi vấn đề còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp cụ thể.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.