Mới: Rút ngắn thời gian "hợp thức hóa" nhà ở xây dựng không phép

Nhà ở xây dựng không phép, trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có khoảng thời gian để “hợp thức hóa”. Tuy nhiên, theo quy định mới sẽ rút ngắn thời gian hợp thức hóa nhà ở xây dựng không phép, trái phép.

Giải thích:

- Hợp thức hóa nhà ở xây dựng không phép, trái phép là thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh (điều chỉnh giấy phép xây dựng) đối với nhà ở sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Nhà ở trong bài viết là nhà ở riêng lẻ, gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Nghị định này thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP với nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó rút ngắn thời gian hợp thức hóa nhà ở xây dựng không phép, trái phép.

Theo Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, đối với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng (không phép) hoặc xây dựng không đúng với nội dung giấy phép được cấp (trái phép) mà thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng thì xử lý như sau:

(1) Người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng.

(2) Trong thời hạn 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải:

- Đối với trường hợp xây dựng không phép phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng và có giấy phép xây dựng.

- Đối với trường hợp xây dựng trái phép phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh và có giấy phép xây dựng điều chỉnh.

Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh được thực hiện theo quy định pháp luật về cấp giấy phép xây dựng và bổ sung thêm hồ sơ chứng minh đã hoàn thành việc nộp phạt vi phạm hành chính.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh, cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

Trước đây tại khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định về việc hợp thức hóa nhà ở không phép, trái phép như sau:

“12. Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:

b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;

…”

Tóm lại, từ ngày 28/01/2022 tổ chức, cá nhân chỉ có 30 ngày để hợp thức hóa nhà ở không phép, trái phép thay vì 60 ngày như trước đây.

(3) Hết thời hạn 30 ngày theo quy định trên mà tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh thì người có thẩm quyền xử phạt ra văn bản thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

(4) Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi văn bản thông báo (tính theo dấu bưu điện) hoặc từ ngày có biên bản bàn giao thông báo, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có trách nhiệm thực hiện biện pháp buộc tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

rut ngan thoi gian hop thuc hoa nha o xay dung khong phep

Lưu ý: Không phải 100% trường hợp được cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh sẽ được tiếp tục xây dựng mà phải thông qua bước kiểm tra hiện trạng công trình, nếu không phù hợp sẽ bị phá dỡ, cụ thể:

(1) Trong thời hạn tối đa 05 ngày kể từ ngày tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm xuất trình giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng, lập biên bản ghi nhận sự phù hợp của hiện trạng công trình với giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh.

(2) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp, giấy phép xây dựng điều chỉnh.

Trường hợp hiện trạng công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh thì trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm buộc phá dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh.

(3) Trong thời hạn đang đề nghị làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh mà tổ chức, cá nhân vi phạm tiếp tục thi công thì bị xử lý như sau:

- Phạt tiền từ 120 - 140 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 140 - 160 triệu đồng đối với nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Kết luận: Nghị định mới đã rút ngắn thời gian hợp thức hóa nhà ở xây dựng không phép, trái phép từ 60 ngày xuống chỉ còn 30 ngày. Do vậy, trường hợp vi phạm phải chủ động thực hiện ngay thủ tục hợp thức hóa theo quy định nếu không sẽ bị phá dỡ khi quá thời hạn trên.

Nếu người dân gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục trên hãy gọi ngay tổng đài 1900.6199 để được hỗ trợ.

>> Xin giấy phép xây dựng nhà ở: Hồ sơ và thủ tục thực hiện

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục