* Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân, theo pháp luật đất đai từ ngày 10/12/2009 đến nay khi đủ điều kiện thì người dân được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tên gọi pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận).
4 khoản tiền có thể phải nộp khi được cấp Sổ đỏ
- Tiền sử dụng đất (nếu thuộc trường hợp phải nộp).
- Lệ phí trước bạ.
Theo Điều 5 và Điều 6 Nghị định 140/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP, lệ phí trước bạ khi cấp Giấy chứng nhận tính theo công thức sau:
Lệ phí trước bạ = 0,5% x (Giá 1m2 đất tại Bảng giá đất x Diện tích)
+ Giá 1m2 đất để tính lệ phí trước bạ là giá đất tại Bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
+ Diện tích tính lệ phí trước bạ là diện tích mà hộ gia đình, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận.
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận (hầu hết các tỉnh thành thu 100.000 đồng/giấy/lần cấp, một vài tỉnh thu 120.000 đồng/giấy/lần cấp).
- Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận (chỉ một vài tỉnh thành thu).
Rủi ro nếu không tính được chi phí làm Sổ đỏ (Ảnh minh họa)
2 rủi ro khi không ước lượng được số tiền phải nộp
* Không được nhận Giấy chứng nhận
Khoản 3 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định:
“3. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất không thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được miễn, được ghi nợ nghĩa vụ tài chính và trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp”.
Theo đó, chỉ khi nào nộp hết các khoản tiền mà chi cục thuế thông báo (có hóa đơn, chứng từ chứng minh) thì mới được nhận Giấy chứng nhận, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn hoặc được ghi nợ.
Lưu ý: Chỉ những hộ gia đình, cá nhân dưới đây mới được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
- Người có công với cách mạng.
- Hộ nghèo.
- Hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số.
- Hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
* Sẽ bị tính tiền chậm nộp
Khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định mức tính tiền chậm nộp tiền thuế và thời gian tính tiền chậm nộp như sau:
“a) Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;
b) Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.”.
Như vậy, tiền chậm nộp 01 ngày được tính như sau:
Mức tính tiền chậm nộp 01 ngày = 0,03% x Số tiền thuế chậm nộp.
Kết luận: Trên đây là những rủi ro nếu không tính được chi phí làm Sổ đỏ. Có thể thấy việc không dự tính được số tiền phải nộp khi được cấp Giấy chứng nhận thì không chỉ không nhận được Giấy chứng nhận mà còn bị tính tiền phạt chậm nộp.
Mặc dù vậy, người dân không cần quá lo lắng vì những lý do sau:
- Không phải trường hợp nào cũng phải nộp tiền sử dụng đất (đây là khoản tiền nhiều nhất).
- Khu vực đô thị giá đất cao nên tiền sử dụng đất phải nộp sẽ cao dẫn tới nguy cơ chậm nộp hoặc không có tiền nộp, còn khu vực nông thôn giá đất khá thấp.
Nếu có vướng mắc về đất đai - nhà ở, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.