Khi sang tên nhà đất, các bên cần phải công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng để không gặp phải 04 rủi ro sau trong giao dịch.
- 1. 4 rủi ro khi không công chứng, chứng thực hơp đồng chuyển nhượng nhà đất
- 1.1 Trả hết tiền nhưng quyền sử dụng đất vẫn thuộc về bên chuyển nhượng
- 1.2 Dễ bị bên bán đòi lại đất
- 1.3 Không công chứng thì không được sang tên trên Sổ
- 1.4 Không được đứng tên trên Sổ thì không có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp
- 2. Một số điều cần biết khi công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng nhà đất
- 2.1 Hợp đồng công chứng, chứng thực có giá trị như nhau khi sang tên
- 2.2 Chỉ được công chứng tại tỉnh, thành nơi có nhà đất
1. 4 rủi ro khi không công chứng, chứng thực hơp đồng chuyển nhượng nhà đất
1.1 Trả hết tiền nhưng quyền sử dụng đất vẫn thuộc về bên chuyển nhượng
Việc chuyển nhượng chỉ có hiệu lực khi đăng ký vào sổ địa chính. Nếu chuyển nhượng nhà đất giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau mà không công chứng hoặc chứng thực hợp đồng thì sẽ không đủ điều kiện đăng ký biến động, khi không đăng ký biến động thì việc chuyển nhượng chưa có hiệu lực.
Việc chuyển nhượng chưa có hiệu lực dẫn tới tình trạng bên nhận chuyển nhượng đã trả hết tiền nhưng nhà đất vẫn thuộc về bên chuyển nhượng.
1.2 Dễ bị bên bán đòi lại đất
Nhà đất là loại tài sản có giá trị và tăng nhanh theo thời gian. Dù chuyển nhượng xảy ra trên thực tế nhưng vì chưa công chứng nên hợp đồng chưa có hiệu lực, lợi dụng điểm này, nhiều bên chuyển nhượng dễ nảy sinh lòng tham và đòi lại đất.
1.3 Không công chứng thì không được sang tên trên Sổ
Việc sang tên trên Sổ là rất quan trọng bởi nó đánh dấu dấu mốc “đất là của mình” và người mua sẽ được pháp luật bảo vệ quyền lợi nếu có tranh chấp xảy ra với mảnh đất đó.
Mà một trong những bước quan trọng nhất trước khi thực hiện việc đăng ký biến động (hay thường được gọi là thực hiện sang tên tại Văn phòng đăng ký đất đai) là các bên phải đi công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng.
Văn phòng đăng ký đất sẽ chỉ chấp nhận hồ sơ sang tên khi người dân nộp đầy đủ hồ sơ, trong đó có hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng, chứng thực.
Xem đầy đủ hồ sơ cần chuẩn bị và thủ tục sang tên nhà đất tại đây.
1.4 Không được đứng tên trên Sổ thì không có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp
Theo khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định, người sử dụng đất chỉ thực hiện được các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
d) Trong thời hạn sử dụng đất;
đ) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác thì đất có phải có Giấy chứng nhận và Giấy chứng nhận đó phải đứng tên mình.
Mà nếu không có hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ không chấp nhận việc sang tên trên Sổ cho người nhận chuyển nhượng trừ các trường hợp được chúng tôi đã đề cập tại mục 1 của bài viết.
2. Một số điều cần biết khi công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng nhà đất
2.1 Hợp đồng công chứng, chứng thực có giá trị như nhau khi sang tên
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024, hợp đồng chuyển nhượng trong hồ sơ sang tên nhà đất không phân biệt hợp đồng được công chứng hay hợp đồng được chứng thực.
Văn phòng đăng ký đất đai vẫn chấp nhận hợp đồng chuyển nhượng dù là công chứng hay chứng thực trong hồ sơ sang tên nhà đất.
Nói tóm lại, việc chứng thực thay vì công chứng hợp đồng không ảnh hưởng gì đến giá trị pháp lý khi sang tên Sổ đỏ, Sổ hồng. Do vậy, khi chuyển nhượng nhà đất các bên có quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.
2.2 Chỉ được công chứng tại tỉnh, thành nơi có nhà đất
Khi chuyển nhượng nhà đất thì các bên phải công chứng tại tổ chức công chứng có trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà đất. Nội dung này được quy định rõ tại Điều 42 Luật Công chứng 2014 như sau:
“Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản”.
Trường hợp các bên muốn chứng thực hợp đồng thì có thể qua Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất để chứng thực (theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015).
2.3 Thành viên gia đình phải có mặt khi công chứng/chứng thực?
Khi đất thuộc quyền sử dụng của cá nhân thì việc chuyển nhượng phụ thuộc vào ý chí của cá nhân đó; đối với trường hợp này thì việc công chứng do người sử dụng đất trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thay. Riêng đất của hộ gia đình thì thực tế phát sinh nhiều trường hợp phức tạp.
Về nguyên tắc khi chuyển nhượng đất của hộ gia đình thì phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ gia đình. Trường hợp thành viên gia đình sử dụng đất không có mặt thì phải ủy quyền cho người đại diện. Nội dung này được nêu rõ tại điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai 2024:
Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì các thành viên cùng nhau thực hiện hoặc ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.
Theo quy định trên, thành viên gia đình sử dụng đất không bắt buộc phải có mặt khi công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng.
2.4 Ai là người chịu phí công chứng?
Tâm lý chung của hầu hết người dân khi chuyển nhượng nhà đất đều muốn được miễn thuế, phí hoặc số tiền phải nộp ít nhất có thể. Để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các bên, khoản 1 Điều 66 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:
Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng.
Như vậy, người yêu cầu công chứng là người nộp phí công chứng. Tuy nhiên, các bên chuyển nhượng có quyền thỏa thuận về người nộp phí công chứng cũng như các loại thuế, phí, lệ phí khi sang tên như thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ sang tên.
Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về vấn đề 4 rủi ro khi không công chứng, chứng thực hơp đồng chuyển nhượng nhà đất