Đối với nhà ở thuộc diện phải có giấy phép xây dựng thì cửa sổ, ban công phải theo đúng giấy phép xây dựng. Tuy nhiên chủ đầu tư, hộ gia đình, cá nhân cũng cần nắm rõ quy định về xây cửa sổ, ban công để bảo đảm đúng quy định trong quá trình thiết kế và thi công.
* Tiêu chuẩn về xây cửa sổ, ban công trong bài viết này áp dụng để thiết kế các nhà ở riêng lẻ được xây dựng thành dãy có sự thống nhất về kiến trúc và hệ thống hạ tầng, đáp ứng yêu cầu thiết kế đô thị.
Căn cứ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 9411:2012), khi xây nhà ở thì cửa sổ, ban công phải đáp ứng quy định cụ thể sau đây:
Quy định về xây cửa đi, cửa sổ
(1) Không được phép mở cửa đi, cửa sổ, cửa thông gió nếu tường nhà xây sát với ranh giới lô đất hoặc ranh giới nền nhà thuộc quyền sử dụng của người khác. Chỉ được phép mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi nếu tường xây cách ranh giới lô đất, ranh giới nền nhà bên cạnh từ 2,0 mét trở lên.
(2) Trường hợp khu đất liền kề chưa có công trình được xây dựng hoặc là công trình thấp tầng thì được phép mở các loại cửa thông gió hoặc cửa kính cố định lấy ánh sáng. Cạnh dưới của các loại cửa này phải cách mặt sàn tối thiểu là 2,0 mét.
Tất cả các cửa này phải chấp nhận không được sử dụng khi công trình liền kề được xây dựng.
(3) Nếu dãy nhà ở liên kế tiếp giáp với khu đất công cộng như vườn hoa, công viên, bãi đỗ xe, bãi trống hoặc các không gian công cộng không ảnh hưởng đến dãy nhà liên kế nói trên, cho phép mở cửa sổ cố định hoặc các bộ phận trang trí nhưng phải được cơ quan chức năng xem xét quyết định trong từng trường hợp.
Quy định về xây dựng ban công
(1) Đối với những ngôi nhà có ban công giáp phố thì vị trí độ cao và độ vươn ra của ban công phải phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt và tuân theo quy định về quản lý xây dựng khu vực.
(2) Độ vươn ra của ban công đối với nhà ở liên kế mặt phố phụ thuộc vào chiều rộng lộ giới và không được lớn hơn các kích thước quy định trong bảng độ vươn tối đa của ban công dưới đây.
Chiều rộng lộ giới (đơn vị: mét) | Độ vươn ra tối đa (đơn vị: mét) |
Dưới 05 | 0 |
Từ 05 đến 07 | 0,5 |
Từ 07 đến 12 | 0,9 |
Từ 12 đến 15 | 1,2 |
Trên 15 | 1,4 |
Lưu ý: - Trên phần nhô ra chỉ được làm ban công, không được che chắn tạo thành lô-gia hay buồng. - Trường hợp lộ giới có chiều rộng trên 15 mét nhưng chiều rộng vỉa hè nhỏ hơn 3,0 m, thì độ vươn ban công tối đa là 1,2 mét. |
(3) Mặt dưới cùng của ban công phải cao hơn mặt vỉa hè tối thiểu là 3,5 mét.
(4) Không được phép làm ban công ở các ngõ/hẻm có chiều rộng nhỏ hơn 4,0 mét và có dãy nhà liên kế ở hai bên ngõ. Trường hợp chỉ có một dãy nhà ở một bên ngõ thì được làm ban công có độ vươn ra tối đa là 0,6 mét.
Lưu ý: Trường hợp đường hoặc ngõ/hẻm có hệ thống đường dây điện đi nổi thì khi xây dựng ô văng, ban công phải bảo đảm các quy định về hành lang an toàn đối với hệ thống đường dây điện như sau:
Khoảng cách từ các bộ phận kiến trúc đến các đường dây điện gần nhất phải đáp ứng những quy định sau đây:
* Theo mặt phẳng nằm ngang
- Đến đường dây cao thế: 4,0 mét (từ mép ngoài cùng của kiến trúc);
- Đến đường dây trung thế: 2,5 mét (từ mép ngoài cùng của kiến trúc);
- Đến đường dây hạ thế:
+ Từ cửa sổ: 0,75 mét;
+ Từ mép ngoài cùng của ban công: 1,0 mét;
- Khoảng cách tối thiểu từ mép ngoài cùng của kiến trúc đến cột điện: 0,75 mét.
* Theo chiều đứng
- Khoảng cách thẳng đứng từ công trình tới dây điện dưới cùng phải đảm bảo:
+ Đối với điện áp tới 35KV: 3,0 mét;
+ Đối với điện áp 66-100KV: 4,0 mét;
+ Đối với điện áp 220 (230)KV: 5,0 mét;
+ Trên mái nhà, trên ban công: 2,5 mét;
+ Trên cửa sổ: 0,5 mét;
+ Dưới cửa sổ: 1,0 mét;
+ Dưới ban công: 1,0 mét.
Trên đây là quy định về xây cửa sổ, ban công nhà ở riêng lẻ được xây dựng thành dãy có sự thống nhất về kiến trúc và hệ thống hạ tầng, đáp ứng yêu cầu thiết kế đô thị theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9411:2012.
Nếu bạn đọc có vướng mắc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được tư vấn và giải đáp.