Người khác giữ Sổ đỏ có nguy hiểm không? Làm cách nào để lấy lại?

Vì nhiều lý do khác nhau mà Sổ đỏ, Sổ hồng do người khác chiếm giữ. Vậy, khi không có ủy quyền mà người khác giữ Sổ đỏ có nguy hiểm không? Làm cách nào để lấy lại? Tất cả những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Người khác giữ Sổ đỏ có nguy hiểm không?

Để biết việc người khác giữ Sổ đỏ có nguy hiểm hay không thì trước tiên phải biết Sổ đỏ không phải là tài sản. Do đó, khi người khác giữ Sổ đỏ của mình cũng không phải lo lắng vì người đó không thể tự ý thế chấp, không được cầm cố. Cụ thể:

1.1 Không được sử dụng Sổ đỏ để cầm cố

Khi Sổ đỏ không phải là tài sản thì sẽ loại trừ được rủi ro là không được cầm cố.

Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”

Theo đó, tài sản gồm 04 dạng là: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Điều 115 Bộ luật này cũng giải thích quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Bên cạnh đó, dù pháp luật không có điều khoản nào quy định thuộc tính của tài sản nhưng từ góc độ nghiên cứu và thực tiễn giải quyết, để trở thành tài sản phải có đủ các thuộc tính sau:

- Con người có thể chiếm hữu được.

- Đáp ứng nhu cầu tinh thần hoặc vật chất cho chủ thể.

- Phải có thể trị giá được thành tiền và là đối tượng trong trao đổi tài sản.

- Khi chúng không còn tồn tại thì quyền sở hữu bị chấm dứt (đối với đất là quyền sử dụng).

Đối chiếu với các thuộc tính trên thì Giấy chứng nhận không thỏa mãn được thuộc tính cuối cùng, vì khi Giấy chứng nhận không còn tồn tại (bị cháy,…) thì tài sản vẫn còn tồn tại. Hay nói cách khác, dù Giấy chứng nhận có bị cháy đi chăng nữa thì quyền sử dụng đất vẫn thuộc về người sử dụng đất.

Mặc dù Giấy chứng nhận không phải là tài sản nhưng là giấy tờ rất quan trọng vì đó là chứng thư pháp lý để xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024 như sau:

21. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của các luật có liên quan được thực hiện theo quy định của Luật này có giá trị pháp lý tương đương như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Luật này

Trong khi đó, về cầm cố tài sản, Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”

Căn cứ theo quy định trên thì người sử dụng đất không có quyền cầm cố quyền sử dụng đất vì người dân chỉ có quyền sử dụng đất mà không có quyền sở hữu.


1.2 Không được thế chấp nếu không có ủy quyền

Căn cứ Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.

Theo đó, nếu không có giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì không thể tự ý thế chấp.

2. Người khác giữ Sổ đỏ nhưng không trả, phải làm sao?

Khi người khác cầm giữ Giấy chứng nhận nhiều người sẽ chọn phương án khởi kiện đòi Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn phương án khởi kiện thì người sử dụng đất nên lựa chọn phương án báo mất Giấy chứng nhận để cấp lại theo thủ tục dưới đây.

2.1 Phải niêm yết công khai tại UBND cấp xã

Khoản 3 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định hộ gia đình, cá nhân có Giấy chứng nhận bị mất phải khai báo với một trong các cơ quan sau đây:

  • Bộ phận Một cửa của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh;
  • Văn phòng đăng ký đất đai;
  • Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Sau khi tiếp nhận khai báo của hộ gia đình, cá nhân thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ chuyển hồ sơ về UBND cấp xã để niêm yết công khai về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp tại trụ sở và điểm dân cư nơi có đất trong thời gian 15 ngày và tiếp nhận phản ánh về vụ việc này.

Sau khi kết thúc thời gian niêm yết, UBND cấp xã lập biên bản kết thúc niêm yết và gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai trong thời gian 05 ngày làm việc.

2.2 Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận

Theo khoản 1 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất gồm có Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (mẫu 11/ĐK).

2.3 Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận

Bước 1: Nộp hồ sơ

  • Bộ phận Một cửa của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh. Nếu nộp cho cơ quan này thì cơ quan này chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
  • Văn phòng đăng ký đất đai;
  • Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận và kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận bị mất trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai. Khi đó sẽ có các tình huống:

  • Sổ đỏ đã được chuyển quyền hoặc thế chấp tại ngân hàng: Trả hồ sơ cho cá nhân, hộ gia đình
  • Sổ đỏ chưa được chuyển quyền/thế chấp thì chuyển hồ sơ về UBND cấp xã để đăng niêm yết công khai và đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương trong thời gian 15 ngày về việc mất Sổ đỏ.

Sau khi có được kết quả niêm yết ở UBND cấp xã, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

  • Hủy Giấy chứng nhận đã cấp
  • Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai
  • Cấp lại Sổ đỏ cho cá nhân, hộ gia đình

Bước 3: Trả kết quả

Thời gian cấp lại: Không quá 10 ngày làm việc, không tính thời gian niêm yết thông báo tại UBND cấp xã và đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng về việc mất Sổ đỏ.

Đồng thời, lý dó đưa ra cho việc chọn phương án trên bởi khi kiện đòi Giấy chứng nhận đang có hai quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất: Không được kiện đòi Giấy chứng nhận

Bởi Giấy chứng nhận không phải là tài sản nên Tòa án sẽ không tiếp nhận đơn khởi kiện. Tại Mục 3 Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 02/9/2011 nêu rõ về việc từ chối đơn khởi kiện kiện đòi Giấy chứng nhận.

Quan điểm thứ hai: Được kiện đòi Giấy chứng nhận

Khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

"Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng".

Theo đó, mặc dù Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2024 không có quy định giấy chứng nhận là tài sản nhưng theo nguyên tắc trên thì Tòa án không được từ chối yêu cầu khởi kiện đòi Giấy chứng nhận.

Mặc dù, trên thực tế Tòa án có thể tiếp nhận yêu cầu khởi kiện thì việc khởi kiện cũng mất nhiều thời gian, chi phí.

Trên đây là thông tin về vấn đề: Người khác giữ Sổ đỏ có nguy hiểm không? Trong trường hợp này người đứng tên trong Giấy chứng nhận chỉ cần báo mất để cấp lại, khi được cấp lại thì Giấy chứng nhận do người khác đang giữ không có giá trị pháp lý.

Trường hợp có vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(9 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục