Nên khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ?

Người dân có nhiều cách xử lý khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Để biết nên khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ và lý do vì sao hãy xem quy định dưới đây.


Cách xử lý khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng

Chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng so với thời gian quy định trên thực tế rất phổ biến. Khi bị chậm cấp người dân có nhiều cách xử lý như hỏi, kiến nghị, khiếu nại hoặc khởi kiện. Cụ thể như sau:

(1) Hỏi, đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả lời về kết quả giải quyết, lý do vì sao chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.

Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trả lời bằng văn bản theo quy định tại khoản 8 Điều 19 Nghị định 61/2018/NĐ-CP, cụ thể:

"Các hồ sơ quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này sau khi thẩm định không đủ điều kiện giải quyết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không giải quyết hồ sơ theo mẫu Phiếu từ chối giải quyết hồ sơ để gửi cho tổ chức, cá nhân thông qua bộ phận một cửa.”.

(2) Khiếu nại về việc chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng theo quy định Luật Khiếu nại.

(3) Khởi kiện vụ án hành chính theo quy định Luật Tố tụng hành chính.

Nên khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ?
Nên khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ? (Ảnh minh họa)

Nên khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ?

Khiếu nại và khởi kiện là những quyền của người dân trong thủ tục hành chính nói chung và thủ tục đề nghị cấp Sổ đỏ nói riêng nếu có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Dù là hai quyền riêng biệt nhưng có một số điểm chung mà người dân ít khi sử dụng các quyền này, cho dù quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, cụ thể:

- Khó thu nhập chứng cứ, chứng minh cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó vi phạm;

- So với việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực khác hoặc khởi kiện vụ án dân sự thì khả năng khiếu nại thành công, thắng kiện sẽ thấp hơn.

- Người dân thường sẽ chờ đợi và hỏi nguyên nhân (ít người yêu cầu trả lời bằng văn bản hoặc yêu cầu nhưng cơ quan, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện trả lời bằng văn bản) thay vì khiếu nại, khởi kiện việc chậm cấp đó.

Ngoài một số điểm chung như trên, để chọn khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ nên căn cứ vào một số điểm so sánh trong bảng dưới đây.

Tiêu chí

Khiếu nại

Khởi kiện

Thời gian giải quyết

Nhanh hơn vì:

* Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu

Điều 28 Luật Khiếu nại 2011 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu như sau:

- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

- Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

* Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai

Điều 37 Luật Khiếu nại 2011 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai như sau:

- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

- Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Lâu hơn vì:

Căn cứ khoản 1 Điều 131 Luật Tố tụng hành chính 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử khi chậm cấp Sổ đỏ là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 02 tháng.

Bên cạnh đó, khi đưa vụ án ra xét xử thì không mở phiên tòa luôn mà có một khoảng thời gian nhất định để mở phiên tòa sơ thẩm, đó là”

“Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.”

Tóm lại, thời hạn từ ngày thụ lý vụ án cho đến khi mở phiên tòa sơ thẩm thông thường kéo dài từ 04 - 07 tháng.

Như vậy, so với tthời hạn giải quyết khiếu nại thì khởi kiện sẽ lâu hơn.

Tính chất dễ/khó khi thực hiện và khả năng thành công

Tùy từng vụ việc cụ thể mà việc khiếu nại có thể khó hoặc dễ hơn khởi kiện nhưng nhìn chung là dễ hơn, vì:

- Mặc dù người bị khiếu nại chính là người có quyết định, hành vi chậm cấp Sổ đỏ hoặc cấp dưới của người đó nhưng so với khởi kiện vụ án hành chính vẫn dễ thực hiện hơn, dễ thu nhập chứng cứ, chứng minh (như căn cứ vào thời gian giải quyết thủ tục cấp Sổ đỏ, căn cứ vào giấy hẹn,…).

- Dễ thực hiện hơn vì chỉ cần gửi đơn khiếu nại kèm theo căn cứ hoặc khiếu nại trực tiếp.

- Bên cạnh đó, tâm lý “sợ” người dân kiện nên người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại “phải” xem xét lại việc chậm cấp để giải quyết khiếu nại theo đúng quy định.

Nhiều vụ án khó thực hiện hơn so với khiếu nại vì:

- Hồ sơ, thủ tục khó chuẩn bị hơn so với khiếu nại, nhiều trường hợp người dân không biết soạn đơn khởi kiện.

- Bản chất khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ là khởi kiện vụ án hành chính (dân kiện quan).

- Khó thu thập chứng cứ, chứng minh.

Chi phí

Ít hơn, ngay cả khi thuê luật sư để giải quyết

Nhiều hơn so với khiếu nại vì thời gian lâu hơn. Ngoài ra không phải ai cũng có thể tự mình thực hiện được nên phải cần tư vấn, thuê luật sư

Tâm lý của người dân

Mặc dù không tiến hành khảo sát, đánh giá nhưng thông qua thực tế cho thấy khi bị chậm cấp Sổ đỏ thì ngoài việc chờ đợi sẽ là hỏi, kiến nghị; một phần sau đó sẽ khiếu nại hoặc số rất ít sẽ khởi kiện

Ngại khởi kiện vì người bị khởi kiện là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan đó

Xử lý sau khi khiếu nại/khởi kiện

Nếu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không trả lời khiếu nại hoặc không đồng ý quyết định giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính hoặc khiếu nại lần hai (đối với trường hợp khiếu nại lần một, nếu khiếu nại lần hai thì chỉ được khởi kiện)

Bản án có hiệu lực thì thực hiện theo bản án đó, không được khiếu nại

Từ một số phân tích trên đây, LuatVietnam không khẳng định nên khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ vì mỗi vụ việc có tính chất, tình tiết khác nhau. Tùy vào từng vụ việc mà người bị chậm cấp Sổ đỏ có thể khởi kiện luôn hoặc khiếu nại rồi mới khởi kiện theo quy định hoặc chỉ khiếu nại.

Trên đây là bài viết trả lời cho vướng mắc nên khiếu nại hay khởi kiện khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng? Nếu có thêm vướng mắc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được tư vấn và giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

Vừa qua, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã chính thức thông qua, thay thế cho Luật Quy hoạch đô thị 2009 và sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan. và bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2025. Cùng LuatVietnam cập nhật 06 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 ngay trong bài viết dưới đây.