Lưu ý: Quy định trong bài viết chỉ áp dụng đối với chế độ tài sản theo luật định, không áp dụng đối với chế độ tài sản theo thỏa thuận (thỏa thuận tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng được lập trước khi đăng ký kết hôn và phải được công chứng hoặc chứng thực - chế độ này ở Việt Nam không phổ biến).
1. Sổ đỏ nhà đất khi ly thân vẫn ghi tên 2 vợ chồng
* Nhà đất mua trong thời gian ly thân vẫn là tài sản chung, trừ trường hợp mua bằng tài sản riêng.
Ly thân là tình trạng vợ chồng không sống chung nhưng chưa ly hôn. Nói cách khác, mặc dù sống ly thân nhưng vẫn là vợ chồng. Do đó, tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh là tài sản chung.
Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp được tặng cho riêng, được thừa kế riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
* Sổ đỏ phải ghi cả tên vợ và chồng, trừ trường hợp thỏa thuận ghi tên một người
Khi nhận chuyển nhượng nhà đất thì phải đăng ký theo quy định của pháp luật. Thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở trong Giấy chứng nhận phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp có thỏa thuận ghi tên một người.
Nội dung này được quy định rõ tại khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì Giấy chứng nhận quyền sở hữu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.”.
Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013 cũng quy định nội dung tương tự.
Tóm lại, trong thời kỳ ly thân mà mua nhà đất thì Sổ đỏ, Sổ hồng vẫn phải ghi tên hai vợ chồng nếu đó là tài sản chung, trừ trường hợp có thỏa thuận ghi tên một người.
2. Sổ đỏ thể hiện tên 2 vợ chồng như thế nào?
Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về mẫu Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) đã quy định rõ về cách thể hiện thông tin người sử dụng đất, chủ sở nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận. Tại điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư này quy định rõ:
“d) Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng như quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này;”.
Theo đó, thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở sẽ ghi là: “Ông” hoặc “Bà”, sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú.
Giấy tờ nhân thân ghi như sau:
- Trường hợp là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”;
- Nếu là Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”;
- Trường hợp là thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”.
3. Nhà đất mua trong thời kỳ ly thân ly hôn chia thế nào?
Nhà đất mua trong thời kỳ ly thân được xác định là tài sản chung, trừ trường hợp mua bằng tài sản riêng (mua bằng tiền lương, tiền công thì nhà đất đó vẫn là tài sản chung).
Căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khi ly hôn thì vợ chồng sẽ thỏa thuận về việc chia tài sản; nếu có không thỏa thuận thì được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng,…
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật (ví dụ mỗi người một thửa đất hoặc một căn nhà,…), nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị (thường sẽ áp dụng đối với trường hợp chỉ có duy nhất một nhà đất).
Ngoài ra, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch (trường hợp nhiều nhà, đất thì giá trị quy đổi thành tiền thường sẽ không giống nhau nên phải thanh toán phần chênh lệch cho bên còn lại).
Trên đây là một số quy định về mua nhà đất khi ly thân. Nếu bạn đọc có vướng mắc về vấn đề này hãy gọi ngay đến tổng đài tư vấn về đất đai 1900.6192 của LuatVietnam.