Mua đất từ người được ủy quyền: Lưu ý quan trọng tránh rủi ro

Việc mua đất từ người được ủy quyền có thể sẽ dẫn đến nhiều rủi ro pháp lý. Dưới đây là một số lưu ý khi mua đất từ người được ủy quyền để tránh rủi ro mà không phải người mua nào cũng biết.

1. Có được mua bán đất qua hợp đồng ủy quyền không?

Trước tiên cần phải hiểu mua bán nhà đất là cách gọi phổ biến của người dân về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Trong trường hợp không thể tự mình thực hiện giao dịch bán đất, người có quyền sử dụng đất được ủy quyền cho người khác thông qua hợp đồng ủy quyền bán đất.

Tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”

Theo quy định trên, trường hợp người sử dụng đất không tự mình chuyển nhượng thì có quyền ủy quyền cho người khác thay mặt mình thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, theo Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và Luật Công chứng 2014 không có điều khoản nào bắt buộc việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng do đó các bên không bắt buộc phải công chứng hợp đồng ủy quyền bán đất.

lưu ý khi mua đất từ người được ủy quyền
Lưu ý khi mua đất từ người được ủy quyền tránh rủi ro (Ảnh minh họa)

2. Lưu ý gì khi mua đất từ người được ủy quyền để tránh rủi ro?

Mua đất thông từ người được ủy quyền là việc người sử dụng đất ủy quyền cho người khác để thay mặt mình thực hiện các quyền đối với mảnh đất và nhận một khoản tiền tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, xét về bản chất thì việc mua bán đất bằng hợp đồng ủy quyền không làm phát sinh việc chuyển quyền sử dụng đất từ chủ thể này sang chủ thể khác mà chỉ ủy quyền thực hiện nhiệm vụ của người có quyền sử dụng đất trong một khoảng thời gian nhất định. Việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó để hạn chế những rủi ro khi mua đất qua hợp đồng ủy quyền, cần lưu ý:

2.1 Lưu ý về hình thức hợp đồng chuyển nhượng đất

Hình thức hợp đồng chuyển nhượng đất và hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng đất cũng là một trong những vấn đề mà người mua cần đặc biệt lưu ý.

Bởi, hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch đó trong trường hợp luật có quy định, nếu không đảm bảo về điều kiện này thì hợp đồng mua bán đất có thể bị coi là vô hiệu.

Tại Điều 502 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức của hợp đồng như sau:

“Điều 502. Hình thức, thủ tục thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất

1. Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Mặt khác, tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 cũng quy định:

“3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

…”

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, hợp đồng chuyển nhượng đất thuộc trường hợp bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Do vậy khi đặt bút ký hợp đồng mua bán đất từ người được ủy quyền, người mua cần chú ý xem hợp đồng này đã được công chứng, chứng thực hay chưa để tránh việc sau này khi xảy ra tranh chấp, hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu do vi phạm hình thức hợp đồng. Khi đó quyền lợi của bên mua sẽ không được pháp luật bảo đảm.

Ngoài ra, liên quan đến hợp mua bán đất và hợp đồng ủy quyền bán đất, khi mua đất từ người được ủy quyền cần lưu ý các nội dung dưới đây:

- Thông tin liên quan đến người bán và người được ủy quyền bán đất;

- Lưu ý điều khoản về phạm vi đại diện trong hợp đồng ủy quyền (xác định người được ủy quyền có được toàn quyền quyết định việc mua bán đất hay không?);

- Lưu ý về thời hạn của hợp đồng ủy quyền;

- Các nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên;…

2.2 Lưu ý về nghĩa vụ tài chính

Tại tiết b.2 điểm b khoản 3 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:

"Trường hợp ủy quyền quản lý bất động sản mà cá nhân được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có các quyền như đối với cá nhân sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật thì người nộp thuế là cá nhân ủy quyền bất động sản"

Theo quy định trên, người có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân khi ủy quyền chuyển nhượng nhà đất là người ủy quyền. Nếu các bên thỏa thuận người nhận chuyển nhượng là người nộp thuế thì thực hiện theo thỏa thuận.

Do đó, khi mua đất từ người được ủy quyền cần chú ý xem trong hợp đồng chuyển nhượng đất và hợp đồng ủy quyền đã có thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính hay chưa. Trường hợp chưa có thỏa thuận thì người ủy quyền (tức người sở hữu bất động sản) phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính.

Việc kiểm tra kỹ nội dung này trong hợp đồng nhằm tránh những rủi ro liên quan đến nghĩa vụ tài chính.

Xem thêm: Mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi chuyển nhượng đất

Trên đây là lưu ý khi mua đất từ người được ủy quyền. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

Vừa qua, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã chính thức thông qua, thay thế cho Luật Quy hoạch đô thị 2009 và sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan. và bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2025. Cùng LuatVietnam cập nhật 06 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 ngay trong bài viết dưới đây.