Cho người nước ngoài thuê nhà: 3 lưu ý quan trọng cần ghi nhớ

Hàng năm, lượng người nước ngoài tới Việt Nam để du lịch, làm việc thậm chí là định cư tương đối nhiều. Khi đó, dịch vụ cho người nước ngoài thuê nhà cũng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, khi cho người nước ngoài thuê nhà, chủ nhà cần lưu ý những nội dung sau để tránh gặp phải rắc rối pháp lý.

1. Điều kiện cho người nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam

Người nước ngoài khi thuê nhà tại Việt Nam cần đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật. Cụ thể:

1.1 Điều kiện cho người nước ngoài thuê nhà

Căn cứ theo Điều 119 Luật Nhà ở 2014, điều kiện cho người nước ngoài thuê nhà như sau:

- Đối với bên cho thuê:

  • Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở;
  • Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân.

- Đối với bên thuê:

  • Phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở;
  • Phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở thuê.

1.2 Điều kiện đối với nhà cho thuê

Điều kiện nhà ở cho cá nhân nước ngoài thuê tại Việt Nam được quy định tại các Điều 131, 132, 133 Luật Nhà ở như sau:

- Đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

- Phải là nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ khép kín;

- Bảo đảm chất lượng, an toàn cho người thuê;

- Bảo đảm cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường và các điều kiện thiết yếu khác;

- Không có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Như vậy, trước khi cho người nước ngoài thuê nhà ở, chủ nhà cần đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên để tránh vi phạm pháp luật.

Lưu ý khi cho người nước ngoài thuê nhà ở
Lưu ý khi cho người nước ngoài thuê nhà ở (Ảnh minh họa)

2. Thủ tục cho người nước ngoài thuê nhà

Bước 1: Chủ nhà làm thủ tục đăng ký kinh doanh

Do hoạt động cho thuê nhà ở không thuộc lĩnh vực không phải đăng ký kinh doanh, do đó chủ nhà cần thực hiện đăng ký kinh doanh trước khi cho thuê.

Thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân nơi có nhà cho thuê. Khi thực hiện thủ tục cần mang theo các giấy tờ sau:

- Giấy tờ chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân;

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà cho thuê (Sổ hồng/Hợp đồng mua bán nhà đất…)

Bước 2: Kê khai mã số thuế và nộp thuế môn bài

Khi tiến hành kê khai mã số thuế và nộp thuế môn bài cần chuẩn bị trước một số giấy tờ như:

  • Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân.
  • Giấy đăng ký kinh doanh cho thuê nhà.
  • Tờ khai thuế môn bài và tờ khai mã số thuế căn hộ cho thuê.

Bước 3: Đăng ký tại trụ sở Công an quận/huyện

Một số loại giấy tờ cần chuẩn bị gồm:

  • Giấy đăng ký kinh doanh hoạt động cho thuê.
  • Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT để làm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
  • Tờ khai lý lịch của chủ hộ kinh doanh.
  • Chứng minh nhân dân/Thẻ Căn cước công dân.
  • Giấy đăng ký đảm bảo đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy (tùy theo từng dự án sẽ có yêu cầu khác nhau).

Bước 4: Tiến hành đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà

Hiện nay, thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài có thể thực hiện dễ dàng qua mạng. Căn cứ quy định tại Điều 4, 5, 6 Thông tư 53/2016/TT-BCA, khi đăng ký tạm trú cho người nước ngoài qua mạng cần chuẩn bị các thông tin sau:

- Thông tin về cơ sở lưu trú:

  • Tên, loại hình, địa chỉ, số điện thoại, email của cơ sở lưu trú;
  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người đăng ký.

- Thông tin của người nước ngoài:

  • Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
  • Thời gian dự kiến tạm trú.

Xem chi tiết: Hướng dẫn thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài

3. Hợp đồng cho người nước ngoài thuê nhà

3.1 Mẫu Hợp đồng cho người nước ngoài thuê nhà chuẩn pháp lý

Bạn đọc có thể tham khảo mẫu hợp đồng dưới đây và có thể tự điều chỉnh các điều khoản cho phù hợp.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do - Hạnh phúc

……..ngày…tháng…năm…..

HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Hôm nay, ngày…/…/….. Tại………………..Chúng tôi gồm:

A – BÊN CHO THUÊ NHÀ

Công ty chuyên doanh nhà đất:…………………….

Giấy phép số:………..

Do Uỷ ban Nhân dân Thành phố (tỉnh)… ……cấp ngày…/…/…..

Lưu ý: Nếu nhà của tư nhân có thể ghi phần này như sau:

Đại diện chủ nhà là Ông (Bà):…………..

Giấy phép cho người nước ngoài thuê và sử dụng nhà số………ngày…/…/…. Do………..cấp

B – BÊN THUÊ NHÀ

Họ tên:…………………..Tuổi………..Quốc tịch…………

Nghề nghiệp……………………..

Hộ chiếu số……………..cấp ngày………….

Giấy phép tạm trú số…………….cấp ngày………..

Giấy phép mở văn phòng đại diện tại số…………cấp ngày………(nếu có).

Hai bên cùng lập hợp đồng thuê nhà để sử dụng với những cam kết sau:

Điều 1:

a/ Nhà cho thuê:

Tại số:………… ……..gồm…..tầng…………có diện tích xây dựng………..m2

và diện tích vườn………..m2

b/ Mục đích và nội dung sử dụng:

Phần để ở có diện tích sử dụng………..m2

Văn phòng đại diện có diện tích sử dụng………..m2

c/ Trang bị tiện nghi bên thuê nhà được sử dụng gồm có:

...............................................................

Điều 2:

Thời hạn thuê nhà là……….tháng, bắt đầu từ ngày…………

Điều 3:

Giá thuê nhà là………….USD/tháng. Không bao gồm chi phí sử dụng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật (chi phí điện, nước, và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác thanh toán riêng theo khối lượng tiêu thụ).

Tiền thuê nhà được thanh toán theo phương thức sau:

Trả bằng tiền mặt (hoặc séc chuyển tiền)

Trả trước……….tháng.

Trả tiền thường kỳ vào ngày……………hàng tháng.

Điều 4: Trách nhiệm của bên cho thuê nhà

1. Giao nhà và trang thiết bị, tiện nghi cho bên thuê đúng ngày hợp đồng có giá trị.

2. Bảo đảm quyền sử dụng trọn vẹn và riêng rẽ của bên thuê nhà (đối với phần diện tích ghi trong hợp đồng nếu chủ nhà ở chung).

3. Sửa chữa kịp thời hư hỏng.

4. Phải bồi thường mọi thiệt hại về vật chất và sức khoẻ gây ra cho bên thuê nhà trong trường hợp nhà bị sụp đổ không sửa chữa kịp thời.

5. Hướng dẫn bên thuê nhà thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về tạm trú, tạm vắng.

Điều 5: Trách nhiệm của bên thuê nhà

1. Sử dụng nhà đúng nội dung và mục đích thuê.

Khi cần sửa chữa, cải tạo theo yêu cầu sử dụng riêng phải được sự đồng ý của chủ nhà và phải tuân theo những qui định về xây dựng cơ bản.

2. Trả tiền thuê nhà đầy đủ và đúng thời hạn quy định.

3. Có trách nhiệm về hư hỏng nhà, sự mất mát các trang thiết bị nội thất, các đồ đạc, tư trang của bản thân và những tác hại gây ra cho bên thứ ba trong khi sử dụng nhà.

4. Chấp hành các quy tắc về giữ gìn vệ sinh môi trường và các quy định về trật tự an ninh chung.

5. Không được chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà hoặc cho thuê lại. Trường hợp cần chấm dứt việc thuê nhà trước thời hạn đã ký, phải báo cáo cho chủ nhà biết trước ít nhất một tháng.

Điều 6: Những cam kết chung

1. Hai bên cam kết thực hiện đúng nội dung thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp có tranh chấp, hoặc một bên vi phạm hợp đồng thì cả hai bên phải trình Uỷ ban nhân dân thành phố (hoặc tỉnh)……………… xem xét và xử lý.

Khi một trong hai bên không thoả mãn với kết quả xử lý của UBND cấp tỉnh thì đề nghị toà án xét xử.

2. Hợp đồng sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

a/ Thời hạn của hợp đồng đã hết.

b/ Nhà cho thuê bị tiêu huỷ hoặc phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

c/ Bên thuê đã cho thuê lại nhà, bị bắt giam hoặc bị Chính phủ Việt Nam trục xuất.

Điều 7: Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng

Hợp đồng này có giá trị từ ngày được xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho tới hết thời hạn thuê nhà.

Hợp đồng này được lập thành 03 bản, bằng 02 thứ tiếng: Việt và Anh, có giá trị như nhau. Mỗi bên giữ một bản và gửi lại cơ quan quản lý nhà đất của tỉnh (thành)…………….một bản.

BÊN CHO THUÊ NHÀ                                   BÊN THUÊ NHÀ

(Ký tên, đóng dấu)                                 (Ký và ghi rõ họ tên)

XÁC NHẬN CỦA PHÒNG

CÔNG CHỨNG NHÀ NƯỚC

(Hoặc của Sở nhà đất.)

Ngày…tháng…năm….

(Đại diện ký tên, đóng dấu)

3.2 Hợp đồng cho người nước ngoài thuê nhà có cần công chứng không?

Căn cứ khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014, trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Do đó, hợp đồng cho thuê nhà ở phải được lập thành văn bản nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, trừ trường hợp có yêu cầu từ các bên của hợp đồng.

Tuy nhiên khuyến khích cá nhân, tổ chức khi thuê nhà chứng thực, công chứng hợp đồng thuê nhà để có thể đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình thuê nhà.

Trên đây là những Lưu ý khi cho người nước ngoài thuê nhà ở. Mọi vấn đề còn vướng mắc bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp cụ thể.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục