Đất cơ sở tôn giáo là loại đất tương đối đặc biệt so với các loại đất khác trong nhóm đất phi nông nghiệp. Vậy đất tôn giáo có được cho thuê không? Cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây của LuatVietnam.
1. Đất tôn giáo gồm loại đất nào?
Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định về đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng như sau:
“2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
…
g) Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;”.
Theo quy định trên, đất tôn giáo là loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, do cơ sở tôn giáo sử dụng và gồm các loại đất sau (theo Điều 159 Luật Đất đai 2013):
- Đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo;
- Các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
Ngoài ra, tại Điều 125 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài trong các trường hợp sau đây:
1. Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng;
…
7. Đất cơ sở tôn giáo quy định tại Điều 159 của Luật này”.
Như vậy, đất cơ sở tôn giáo là loại đất có thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài.
2. Ai được phép quản lý đất tôn giáo?
Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền quản lý đối với đất cơ sở tôn giáo. Cụ thể, thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thể hiện qua một số quy định sau:
- Có thẩm quyền giao đất đối với cơ sở tôn giáo (theo điểm b khoản 1 Điều 59 Luật Đất đai 2013).
- Có thẩm quyền thu hồi đất đối với cơ sở tôn giáo (theo điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Đất đai 2013).
- Có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) đối với cơ sở tôn giáo (theo khoản 1 Điều 105 Luật Đất đai 2013).
Lưu ý: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
3. Đất tôn giáo có được cho thuê không?
Cơ sở tôn giáo không được thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Nội dung này đã được quy định rõ tại khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai 2013 như sau:
“2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”.
Như vậy, cơ sở tôn giáo cho thuê đất tôn giáo được xác định là hành vi trái pháp luật.
4. Cơ sở tôn giáo có phải trả tiền thuê đất nếu sử dụng vào mục đích khác?
Hiện nay Luật Đất đai 2013 chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên tại Mục 2.2 Nghị quyết 18-NQ/TW đã có quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo như sau:
- Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo.
- Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương.
Như vậy căn cứ theo nội dung được nêu tại Nghị quyết 18 thì trong tương lai, nếu các cơ sở tôn giáo sử dụng đất được giao với mục đích khác sẽ phải trả tiền thuê đất.
Trên đây là giải đáp về đất tôn giáo có được cho thuê không? Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được giải đáp cụ thể.