Tiền sử dụng đất là gì?
Khoản 44 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định:
“Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc các trường hợp sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. ”
Theo đó, tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi:
Được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất
Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (cấp Sổ đỏ, Sổ hồng cho đất có nguồn gốc không phải là đất được Nhà nước giao, cho thuê).
Đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất
Để thúc đẩy việc tuân thủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, pháp luật quy định rõ những đối tượng được nợ tiền sử dụng đất theo căn cứ sau đây:
Khoản 1 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất, mức tiền sử dụng đất được ghi nợ, thời hạn ghi nợ tiền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Nghị định về cấp giấy chứng nhận.
Điểm a khoản 11 Điều 18 Nghị định 101/2024/NĐ-CP có quy định đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu là cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất có nhu cầu ghi nợ và người nhận thừa kế theo quy định của pháp luật có nhu cầu ghi nợ thì được tiếp tục ghi nợ;
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 88/2024/NĐ-CP thì đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất quy định tại khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai 2024 là người được bố trí tái định cư mà tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất phải nộp khi được giao đất tái định cư, nếu có nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất và cam kết thực hiện bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.
Như vậy, theo những căn cứ nêu trên, đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất gồm:
- Cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất có nhu cầu ghi nợ và người nhận thừa kế theo quy định của pháp luật có nhu cầu ghi nợ thì được tiếp tục ghi nợ;
Không nộp tiền sử dụng đất sẽ tính lãi?
* Thời hạn nộp tiền sử dụng đất
Căn cứ khoản 3 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế, thời hạn nộp tiền sử dụng đất được quy định như sau:
Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo.
Chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo.
Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo thông báo trong trường hợp xác định lại số tiền sử dụng đất phải nộp quá thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà hộ gia đình, cá nhân chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ.
* Cách tính tiền chậm nộp
Điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 quy định tiền sử dụng đất là một trong những khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý. Người nộp thuế hoặc các khoản thu khác có nghĩa vụ nộp đầy đủ và đúng thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế.
Theo điểm a khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019, khi quá hạn thì người dân phải nộp tiền chậm nộp theo công thức sau:
- Công thức tính tiền chậm nộp theo ngày
Tiền chậm nộp 01 ngày = 0,03% x số tiền chưa nộp
- Công thức tính tổng tiền chậm nộp
Tổng tiền chậm nộp = (0,03% x số tiền chưa nộp) x số ngày chậm nộp
Ví dụ: Ông A được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất với số tiền là 100 triệu đồng, nếu quá thời hạn mà ông A không nộp tiền sử dụng đất thì tiền chậm nộp mỗi ngày là 30.000 đồng (100 triệu đồng x 0,03%), 01 năm thì số tiền chậm nộp là 10,95 triệu đồng.
Kết luận: Khi người dân không nộp tiền sử dụng đất sẽ không “tính lãi” mà phải nộp tiền chậm nộp với mức 0,03%/ngày.
Nếu có vướng mắc về đất đai - nhà ở, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.