Khiếu nại đất đai là gì? Điều kiện khiếu nại đất đai

Để xảy ra khiếu nại hay khởi kiện về đất đai là điều không ai muốn, nhưng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì người dân phải hiểu khiếu nại đất đai là gì và nắm được điều kiện khiếu nại đất đai.

Khiếu nại đất đai là gì?

Khiếu nại đất đai là từ ngữ được sử dụng phổ biến, tuy nhiên pháp luật không quy định thế nào là khiếu nại đất đai.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 về khái niệm khiếu nại thì khiếu nại đất đai được hiểu như sau:

- Khiếu nại về đất đai là việc người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất theo thủ tục của Luật Khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

- Người có quyền khiếu nại:

Người khiếu nại có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện, cụ thể:

+ Tự mình khiếu nại: Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất thì có quyền tự mình khiếu nại.

+ Người đại diện theo pháp luật của người sử dụng đất thực hiện việc khiếu nại (chỉ áp dụng khi người sử dụng đất là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự).

+ Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.

+ Uỷ quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

- Đối tượng khiếu nại:

Theo khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 đối tượng khiếu nại đất đai là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Theo thực tiễn quản lý đất đai, những quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai gồm các loại quyết định và hành vi cụ thể sau:

- Quyết định hành chính về quản lý đất đai như:

+ Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

+ Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;

+ Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất.

+ Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai…

- Hành vi hành chính trong quản lý đất đai:

Hành vi hành chính bị khiếu nại là hành vi của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc thuộc phạm vi quy định để ban hành các quyết định quản lý hành chính về đất đai với các biểu hiện thường gặp như: Chậm thực hiện, thực hiện không đúng, gây khó dễ cho người sử dụng đất…

Khiếu nại về đất đai là gì

Khái niệm và điều kiện khiếu nại đất đai (Ảnh minh họa)

Điều kiện khiếu nại đất đai

Để thực hiện quyền khiếu nại đất đai phải có đủ điều kiện sau:

1 - Người khiếu nại tự mình thực hiện thì phải là người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại;

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất như: Người nhận chuyển nhượng (người mua đất) làm thủ tục sang tên nhưng cơ quan có thẩm quyền chậm thực hiện…

2 - Có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình.

3 - Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có người đại diện hợp pháp thực hiện khiếu nại trong trường hợp khiếu nại thông qua người đại diện;

4 - Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết.

5 - Còn thời hiệu, thời hạn khiếu nại hoặc đã hết thời hiệu, thời hạn mà có lý do chính đáng.

6 - Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (điều kiện này áp dụng với trường hợp đã có quyết định khiếu nại lần 1 nhưng không đồng ý).

Trên đây là quy định khiếu nại đất đai là gì và điều kiện thực hiện quyền khiếu nại đất đai. Để thực hiện được quyền khiếu nại đất đai bên cạnh việc nắm rõ điều kiện khiếu nại thì phải biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết để gửi đơn và thủ tục khiếu nại.

>> Thủ tục khiếu nại đất đai 2019: Những hướng dẫn chi tiết nhất

Khắc Niệm

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục