5 điều hiểu chưa đúng về Sổ đỏ khiến người dân dễ bị thiệt

Sổ đỏ là chứng thư pháp lý dùng để ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng thực tế vẫn có nhiều điều hiểu chưa đúng về Sổ đỏ. Chính vì lẽ đó mà không ít người nghĩ mình không có hoặc bị hạn chế quyền.

* Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân dựa theo màu sắc của từng loại Giấy chứng nhận. Tùy theo từng thời kỳ mà “Sổ đỏ”, “Sổ hồng” có tên gọi pháp lý khác nhau như:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở,
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất,
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

(gọi chung là Giấy chứng nhận).

Mặc dù người dân đều biết Giấy chứng nhận là giấy tờ ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng trong quá trình quản lý, sử dụng vẫn còn nhiều điều hiểu chưa đúng, cụ thể:

1. Bán nhà đất phải có sự đồng ý của các con

Theo quy định tại Điều 4 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 thì không còn công nhận đối tượng hội gia đình là người sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực.

Tức là từ ngày 01/8/2024 trở đi, hộ gia đình sử dụng đất sẽ không được giao đất, cho thuê đất, công nhận chuyển sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất với tư cách hội gia đình.

Khoản 5 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định:

- Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì sẽ cấp 01 Giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

- Nếu có nhu cầu cấp 01 Giấy chứng nhận thì ghi tên đại diện hộ gia đình và trai cho người đại diện.

- Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi trên Giấy chứng nhận do các thành viên tự thỏa thuận.

Như vậy, theo quy định mới thì hộ gia đình không còn là đối tượng sử dụng đất, do đó chủ sử dụng đất được xác định sẽ là những thành viên trong hộ có chung quyền sử dụng đất và được ghi nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Lưu ý: Không phải trường hợp nào Giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình thì khi chuyển nhượng cũng phải có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình mà chỉ cần sự đồng ý của người có chung quyền sử dụng đất.

Hay nói cách khác, nếu thành viên trong gia đình không có chung quyền sử dụng đất thì khi chuyển nhượng không cần sự đồng ý của những người này.

Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 quy định:

“Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.”

Theo đó, các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất được cấp chung Giấy chứng nhận nếu có đủ điều kiện sau:

- Có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng (cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi).

- Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất (nếu con sinh sau thời điểm cấp Giấy chứng nhận thì không có chung quyền sử dụng đất).

- Có quyền sử dụng đất chung (góp tiền để nhận chuyển nhượng, được thừa kế, tặng cho chung...).

Tóm lại, những thành viên trong hộ gia đình không có chung quyền sử dụng đất thì khi chuyển nhượng những người này không có quyền đồng ý, ngăn cản hay phản đối.

điều hiểu chưa đúng về Sổ đỏ

2. Đất chưa có Sổ đỏ sẽ không được chuyển nhượng

2.1 Từ ngày 01/8/2024 trở đi

Điểm a khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định:

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này;

…”

Như vậy, có 02 trường hợp chưa có Giấy chứng nhận vẫn được chuyển nhượng, cụ thể:

Trường hợp 1: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định.

Trường hợp 2: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì được quyền chuyển nhượng.

2.2 Từ ngày 01/7/2014 đến trước ngày 01/8/2024

Điểm a khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định:

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

…”

Như vậy, từ ngày 01/7/2014 đến trước ngày 01/8/2024 có 02 trường hợp chưa có Giấy chứng nhận vẫn được chuyển nhượng, cụ thể:

Trường hợp 1: Tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Trong trường hợp này, người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.

Trường hợp 2: Khi nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận.

2.3 Trước ngày 01/7/2014

Theo khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có Giấy chứng nhận trước ngày 01/7/2014 vẫn được pháp luật thừa nhận và bảo vệ nếu đủ điều kiện.

Trong trường hợp này không phải đăng ký biến động (không phải sang tên) mà được cấp Giấy chứng nhận theo thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu nếu có đủ điều kiện.

Xem chi tiết tại: Mua đất không có Sổ đỏ trước ngày 01/7/2014

3. Đất không có Sổ đỏ không được bồi thường

Căn cứ khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai 2024, khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất sẽ được bồi thường về đất nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm.

- Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình chùa, đình, đền, miếu, am, nhà thờ họ, công trình tín ngưỡng khác; đất nông nghiệp theo khoản 4 Điều 178 Luật Đất đai 2024 (đất nông nghiệp do cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng) và đất đó không có tranh chấp, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng.

- Người gốc Việt Nam định cư tại nước ngoài.

- Tổ chức tôn giáo, tôn giáo trực thuộc được Nhà nước cho phép hoạt động đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao/cho thuê; không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ 01/7/2004 trở về sau.

- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê; nhận chuyển nhượng đất ở trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

- Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần; nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần.

- Tổ chức kinh tế, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán/bán kết hợp với cho thuê; cho thuê đất trả tiền một lần.

Như vậy, dù không có Giấy chứng nhận nhưng nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì vẫn được bồi thường về đất nếu Nhà nước thu hồi.

Xem thêm: Đơn giá đền bù, giải phóng mặt bằng của 63 tỉnh, thành

4. Vợ/chồng đứng tên thì người còn lại không có quyền

Khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định:

“Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người để đứng tên làm đại diện cho vợ và chồng.”

Như vậy, mặc dù quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng thì vẫn có thể ghi tên một người.

Trường hợp Giấy chứng nhận chỉ ghi tên một người thì người còn lại vẫn có quyền như người đứng tên nếu đó là tài sản chung của vợ chồng. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 như sau:

“Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận”

Tóm lại, quan điểm vợ hoặc chồng một mình đứng tên trên Giấy chứng nhận nhưng quyền sử dụng đất, nhà ở là tài sản chung thì người còn lại không có quyền là không đúng.

5. Người khác giữ Sổ đỏ thì có quyền bán nhà đất

Vì nhiều lý do khác nhau (cho mượn, gán nợ…) mà trên thực tế người sử dụng đất cho người khác cầm giữ Giấy chứng nhận của mình. Nhiều người khi cho người khác giữ Giấy chứng nhận thì “sợ” họ chuyển nhượng cho người khác.

Tuy nhiên, theo pháp luật thì người đang giữ Giấy chứng nhận không thể tự ý chuyển nhượng, tặng cho nếu không được sự đồng ý của người sử dụng đất bằng văn bản.

Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”

Như vậy, một người giữ Giấy chứng nhận của người khác thì không được tự ý chuyển nhượng, tặng cho. Hay nói cách khác, nếu không phải là người người sử dụng đất thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho khi có sự ủy quyền.

Xem thêm: Ủy quyền bán nhà đất: 6 quy định người dân cần biết

Trên đây là một số điều hiểu chưa đúng về Sổ đỏ thường gặp phải, việc hiểu chưa đúng nhiều khi dẫn tới trường hợp người dân không biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(6 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.

5 điểm mới Nghị định 96/2024/NĐ-CP về thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản

5 điểm mới Nghị định 96/2024/NĐ-CP về thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản

5 điểm mới Nghị định 96/2024/NĐ-CP về thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản

Nghị định số 96/2024/NĐ-CP đã có nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản. Cùng theo dõi cụ thể tổng hợp điểm mới Nghị định 96/2024/NĐ-CP về thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản dưới đây.

Diện tích nhà, đất thuộc tài sản công không phải là căn hộ chung cư được bồi thường thế nào?

Diện tích nhà, đất thuộc tài sản công không phải là căn hộ chung cư được bồi thường thế nào?

Diện tích nhà, đất thuộc tài sản công không phải là căn hộ chung cư được bồi thường thế nào?

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm đó là bồi thường phần diện tích nhà, đất thuộc tài sản công không phải là căn hộ chung cư. Nội dung bài viết dưới đây sẽ thông tin về điều này.