14 loại giấy tờ đất đai để được cấp giấy phép xây dựng

Muốn được cấp giấy phép xây dựng chủ đầu tư phải chuẩn bị hồ sơ và nộp theo quy định, để hoàn thiện hồ sơ phải có một trong những loại giấy tờ hợp pháp về đất đai. Dưới đây là danh sách những loại giấy tờ đất đai để được cấp giấy phép xây dựng.


Giấy tờ đất đai để được cấp giấy phép xây dựng là một trong những loại giấy tờ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 53/2017/NĐ-CP, cụ thể:

(1) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) được cấp theo quy định của Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai sửa đổi 2001, Luật Đất đai 2003.

(2) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ hồng) được cấp theo quy định của Luật Đất đai 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản 2009.

(3) Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp theo quy định tại Nghị định 60/CP ngày 05/7/1994 về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị, Nghị định 61/CP ngày 05/7/1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở.

(4) Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Pháp lệnh nhà ở 1991;

- Luật nhà ở 2005;

- Nghị định 81/2001/NĐ-CP về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam;

- Nghị định 95/2005/NĐ-CP về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng;

- Nghị định 90/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở;

- Nghị định 51/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết 19/2008/QH12 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam;

- Điều 31, Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

(5) Các Giấy chứng nhận khác về quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng qua các thời kỳ.

(6) Các loại giấy tờ đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận gồm: Các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013; Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và quy định tại khoản 16 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.

(7) Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và được cơ quan đăng ký đất đai xác nhận đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

(8) Giấy tờ về đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ sau ngày 01/7/2004 nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định pháp luật về đất đai, gồm:

- Quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hợp đồng thuê đất kèm theo (nếu có);

- Giấy tờ về trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất;

- Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(9) Báo cáo rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra và quyết định xử lý theo quy định tại Điều 28 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

(10) Giấy tờ về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng để thực hiện xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo hoặc di dời các công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 27 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

(11) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đối với công trình xây dựng biển quảng cáo, trạm viễn thông, cột ăngten tại khu vực không thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng để xây dựng và không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

(12) Hợp đồng thuê đất được giao kết giữa chủ đầu tư xây dựng công trình và người quản lý, sử dụng công trình giao thông hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đối với công trình được phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho giao thông theo quy định của pháp luật.

(13) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp người sử dụng đất đã có giấy tờ hợp pháp về đất đai theo quy định tại các mục (1), (2), (3), (4), (5) và (6) nhưng đề nghị được cấp giấy phép xây dựng sử dụng vào mục đích khác với mục đích sử dụng đất đã được ghi trên giấy tờ đó.

(14) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo đề nghị của cơ quan cấp giấy phép xây dựng để xác định diện tích các loại đất đối với trường hợp người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai theo quy định tại các mục (1), (2), (3), (4), (5) (6) nhưng trên các giấy tờ đó không ghi rõ diện tích các loại đất để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng.

Trên đây là những loại giấy tờ đất đai để được cấp giấy phép xây dựng. Riêng đối với hộ gia đình, cá nhân khi xin giấy phép xây dựng nhà ở nếu không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì đề nghị Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất cấp giấy xác nhận và được cơ quan đăng ký đất đai xác nhận đủ điều kiện để cấp Sổ đỏ, Sổ hồng thay thế.

Trên thực tế nhiều người dân có những loại giấy tờ hợp pháp về đất đai nhưng không biết giấy tờ đó thuộc loại nào trong những giấy tờ đã kể trên. Do đó, nếu có vướng mắc hãy gọi tổng đài 1900.6192 để được tư vấn.

>> Giấy phép xây dựng có thời hạn: Ai được cấp? Thủ tục cấp thế nào?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(5 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.