Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân

Khi xảy ra tranh chấp đất đai thì người dân có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thay vì khởi kiện tại Tòa án nếu đáp ứng được điều kiện.

Giải thích từ viết tắt:

- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau đây gọi chung là cấp huyện.

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau đây gọi chung là cấp tỉnh.

1. Khi nào được giải quyết tranh chấp tại UBND?

Căn cứ khoản 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024, hình thức giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân (UBND) áp dụng đối với trường hợp tranh chấp mà đương sự không có Giấy chứng nhận (Sổ hồng, Sổ đỏ) hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024.

Lưu ý: Khi thuộc trường hợp này đương sự chỉ được chọn một trong hai hình thức giải quyết, đó là khởi kiện tại Tòa án hoặc gửi đơn đề nghị UBND cấp có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp lựa chọn giải quyết tại UBND thì thẩm quyền giải quyết như sau:

- UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định tố tụng hành chính (khởi kiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai).

- UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định tố tụng hành chính (khởi kiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai).

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp huyện

Căn cứ Điều 106 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện như sau:

Bước 1: Nộp đơn đề nghị giải quyết

Người có đơn yêu cầu giải quyết nộp đơn tại tại UBND cấp huyện có thẩm quyền.

Bước 2: Kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: Giải quyết tranh chấp

- Chủ tịch UBND cấp huyện giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.

- Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.

- Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Thời hạn, thời hiệu giải quyết:

- Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày làm việc; không quá 55 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.

Lưu ý: Thời hạn trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

- Thời hiệu giải quyết tranh chấp: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu; riêng các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì không quá 45 ngày mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành.

3. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp tỉnh

Căn cứ Điều 106 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như sau:

Bước 1: Nộp đơn

Người có đơn yêu cầu giải quyết nộp đơn tại tại UBND cấp tỉnh có thẩm quyền.

Bước 2: Kiểm tra và tiếp nhận đơn

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: Giải quyết tranh chấp

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao trách nhiệm cho cơ quan tham mưu giải quyết.

- Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Thời hạn, thời hiệu giải quyết:

- Thời hạn giải quyết: Không quá 60 ngày làm việc; không quá 70 ngày làm việc đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.

Lưu ý: Thời hạn trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

- Thời hiệu giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu; riêng các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì không quá 45 ngày mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành.

4. Cưỡng chế thi hành kết quả giải quyết tranh chấp đất đai

* Điều kiện cưỡng chế

Theo Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, chỉ cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai khi có đủ các điều kiện sau:

- Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không chấp hành quyết định và đã được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất tranh chấp vận động, thuyết phục mà không chấp hành.

-Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất tranh chấp.

- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành.

- Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế. Đối với trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.

* Nguyên tắc cưỡng chế

Theo Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, việc cưỡng chế phải bảo đảm những nguyên tắc sau:

- Phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật

- Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế thực hiện trong giờ hành chính.

- Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế thực hiện trong giờ hành chính.

- Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, ngày lễ theo truyền thống của đồng bào dân tộc; trong thời gian 15 ngày trước và sau thời gian nghỉ Tết âm lịch và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.

Trên đây là thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh. Để hiểu rõ hơn về tranh chấp đất đai, bạn có thể gọi ngay đến số 1900.6192, các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam sẽ hỗ trợ bạn.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục