[Cần biết] Quy định thu phí dịch vụ nhà chung cư

Hiện nay, nhiều người muốn mua các căn hộ chung cư nhưng còn băn khoăn về mức thu phí dịch vụ nhà chung cư. Bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ thông tin quy định thu phí dịch vụ nhà chung cư để người mua có thể cân nhắc lựa chọn.

1. Phí dịch vụ nhà chung cư là gì?

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về định nghĩa phí dịch vụ nhà chung cư. 

phi-dich-vu-chung-cu
Phí dịch vụ nhà chung (Ảnh minh hoạ)

Khi sinh sống tại các căn chung cư, cư dân thường phải đóng một khoản phí nhất định dùng để chi trả một số khoản theo quy định để vận hành nhà chung cư và khoản phí này được gọi là phí dịch vụ chung cư.

2. Quy định thu phí dịch vụ nhà chung cư 

Có thể hiểu phí dịch vụ nhà chung cư là khoản chi phí mà cư dân tại chung cư phải đóng cho ban quản lý để chi trả cho việc vận hành và quản lý chung cư. Ngoài ra, phí dịch vụ chung cư còn được sử dụng vào các tiện ích tại chung cư cho cư dân.

quy-dinh-ve-thu-phi-dich-vu-nha-chung-cu
Quy định thu phí dịch vụ nhà chung cư (Ảnh minh hoạ)

2.1. Phí dịch vụ chung cư gồm những gì?

Căn cứ Điều 7 Thông tư 05/2024/TT-BXD, hiện nay tại các căn hộ chung cư, cư dân thường phải đóng các chi phí sau:

  • Phí dịch vụ chung cư

Mức phí dịch vụ này không được pháp luật quy định cụ thể mà ở mỗi dự án chung cư sẽ có mức thu phí dịch vụ khác nhau. Phí dịch vụ chung cư này được dùng để chi trả cho các dịch vụ như thu gom rác, quét dọn, diệt côn trùng, chăm sóc cây xanh, vườn hoa,....

Chi phí dịch vụ chung cư này sẽ được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và cư dân chung cư tại thời điểm các bên ký kết hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng cho thuê chung cư.

  • Phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư

Thông thường, phí quản lý vận hành nhà chung cư được thu hàng tháng hoặc theo định kỳ. Phí quản lý vận hành nhà chung cư được xác định dựa vào từng dự án chung cư và được thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành.

Theo khoản 2 Điều 151 Luật Nhà ở 2023, phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không bao gồm:

  • Kinh phí mua bảo hiểm cháy, nổ
  • Kinh phí bảo trì
  • Chi phí trông giữ xe
  • Chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc
  • Thù lao cho Ban quản trị nhà chung cư
  • Chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Nhà ở 2023, chủ sở hữu chung cư còn phải đóng phí bảo trì chung cư. Cụ thể, phí bảo trì chung cư là phần chi phí do các cư dân đóng góp để thực hiện công việc bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Theo quy định tại Điều 155 Luật Nhà ở 2023, kinh phí bảo trì chỉ được sử dụng để bảo trì, thay thế các hạng mục, trang thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư theo kế hoạch bảo trì được Hội nghị nhà chung cư thông qua. Ban quản trị nhà chung cư không được sử dụng kinh phí bảo trì này vào mục đích quản lý vận hành nhà chung cư và các mục đích khác.

Ngoài ra, cư dân còn phải đóng chi phí khác dù không nằm trong phí dịch vụ nhà chung cư như phí trông giữ xe, điện, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc và các dịch vụ khác...

2.2. Tiền điện, nước sinh hoạt có phải phí dịch vụ chung cư không?

Loại phí điện, nước sinh hoạt không phải phí dịch vụ tại nhà chung cư. Tuy nhiên, thông thường các khoản phí này cũng được xác định vào phí dịch vụ để thu khi sử dụng nhà chung cư. Mức phí đóng không cố định mà sẽ phụ thuộc vào số lượng sử dụng của từng căn hộ chung cư.

2.3. Chưa vào ở có phải đóng phí dịch vụ chung cư không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư tại Thông tư 05/2024/TT-BXD, việc thu phí quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện theo sự thỏa thuận giữa chủ sở hữu chung cư với đơn vị quản lý vận hành.

Như vậy để trả lời cho câu hỏi cư dân chưa vào ở có phải đóng phí dịch vụ chung cư không sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên.

Trường hợp nếu tại hợp đồng mua bán các bên đã thỏa thuận về việc chủ sở hữu đã nhận bàn giao căn hộ nhưng chưa vào ở thì không phải đóng phí quản lý vận hành nhà chung cư thì trong trường hợp này chủ sở hữu không phải đóng phí dịch vụ chung cư.

Ngược lại, nếu các bên không có thỏa thuận tại hợp đồng về vấn đề trên, hợp đồng quy định thời điểm chủ sở hữu nhận bàn giao căn hộ chung là thời điểm tính phí quản lý vận hành chung cư thì chủ sở hữu phải đóng phí dịch vụ chung cư.

3. Phí dịch vụ chung cư được xác định thế nào?

Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định cụ thể công thức xác định phí dịch vụ chung cư. Tại các dự án chung cư khác nhau, tùy vào vị trí, quy mô và các yếu tố khác, phí dịch vụ chung cư sẽ được xác định cho phù hợp.

cach-tinh-phi-dich-vu-chung-cu
Cách tính phí dịch vụ chung cư (Ảnh minh hoạ)

Để xác định mức phí dịch vụ chung cư cần dựa vào nhiều yếu tố:

  • Loại hình chung cư: Thông thường, phí dịch vụ tại các căn hộ chung cư bình dân sẽ rẻ hơn rất nhiều so với chung cư cao cấp.;

  • Diện tích căn hộ chung cư: Diện tích căn hộ càng lớn phí dịch vụ chung cư sẽ càng cao;

  • Ngoài ra, phí dịch vụ chung cư còn phụ thuộc cả vào thỏa thuận giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu vào thời điểm ký kết hợp đồng mua bán chung cư...

Trên đây là nội dung quy định thu phí dịch vụ nhà chung cư. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, độc giả hãy gọi đến tổng đài 19006192 để được tư vấn, hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

Vừa qua, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã chính thức thông qua, thay thế cho Luật Quy hoạch đô thị 2009 và sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan. và bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2025. Cùng LuatVietnam cập nhật 06 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 ngay trong bài viết dưới đây.