Giá đền bù đất vườn liền kề đất ở khi bị thu hồi như thế nào?

Việc sử dụng đất vườn liền kề đất ở hiện nay tương đối phổ biến. Điều mà người dân thắc mắc là vậy khi bị thu hồi, giá đền bù đất vườn liền kề đất ở thế nào?

Thế nào là đất vườn liền kề đất ở?

Trước khi tìm hiểu về giá đền bù đất vườn liền kề đất ở, cần hiểu rõ thế nào là đất vườn liền kề đất ở. Hiện nay Luật Đất đai không có quy định cụ thể về đất vườn liền kề đất ở.

Tuy nhiên, theo cách hiểu phổ biến, đất liền kề là diện tích đất tiếp giáp với đất thổ cư trong thửa đất có nhiều loại đất khác nhau. Về mặt pháp lý đất liền kề không có ranh giới cụ thể, do đó việc xác định còn gặp nhiều khó khăn.

Còn đối với đất vườn, căn cứ vào thực tiễn sử dụng đất có thể hiểu đất vườn là đất sử dụng để làm vườn, trồng cây hàng năm. Trước đây, theo Quyết định 507/1999/QĐ-TCĐC ban hành hệ thống biểu mẫu thống kê đất đai phục vụ công tác kiểm kê đất đai năm 2000 có nhắc đến đất vườn như sau:

“Đất vườn tạp là diện tích đất vườn gắn liền với đất ở thuộc khuôn viên của mỗi hộ gia đình trong các khu dân cư trồng xen kẽ giữa các loại cây hàng năm với cây lâu năm hoặc giữa các cây lâu năm mà không thể tách riêng để tính diện tích cho từng loại.”.

Từ các quy định nêu trên có thể hiểu đất vườn liền kề đất ở là loại đất được sử dụng trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng xen kẽ cây hàng năm với cây lâu năm trong cùng thửa đất hoặc xen kẽ với phần diện tích đất ở trong cùng thửa đất ở.

Đất vườn liền kề đất ở là đất được dùng trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng xen kẽ (Ảnh minh họa)

Giá đền bù đất vườn liền kề đất ở khi bị thu hồi như thế nào?

Để xác định giá đền bù đất vườn liền kề đất ở cần xác định diện tích đất vườn liền kè này là đất nông nghiệp hay đất ở.

Theo đó, khoản 1 Điều 103 Luật Đất đai 2013 quy định đất vườn, ao của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở. Cụ thể, thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở, kể cả thửa đất trong và ngoài khu dân cư thuộc các trường hợp sau:

- Thửa đất hiện đang có nhà ở và vườn, ao;

- Thửa đất mà trên giấy tờ về quyền sử dụng đất có thể hiện nhà ở và vườn, ao nhưng hiện trạng đã chuyển hết sang làm nhà ở.

Như vậy, trường hợp đất vườn liền kề đất ở và trong đó có nhà ở hoặc trên Sổ đỏ có ghi nhận phần diện tích đất vườn liền kề (đã chuyển sang đất ở) thì được xác định là đất ở. Ngược lại, nếu chỉ liền kề đất ở nhưng không có nhà ở trên đất thì được xác định là đất nông nghiệp. Khi đó, giá đền bù đất vườn liền kề đất ở được xác định như sau:

- Trường hợp đất vườn liền kề đất ở là đất nông nghiệp:

Theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai và Điều 18 Nghi định 44/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP), khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án thì giá đất làm căn cứ bồi thường là giá đất cụ thể được xác định bằng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.

Khi đó, đối với trường hợp sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích, giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ được xác định trên cơ sở giá đất nông nghiệp theo địa bàn quận, huyện, thị xã được quy định tại bảng giá đất ban hành tại thời điểm thu hồi.

Cách tính giá đền bù như sau:

Giá đất bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp = Hệ số điều chỉnh giá đất x Giá đất theo Bảng giá đất

Xem chi tiết: Tra cứu Giá đất nông nghiệp tại 63 tỉnh thành

- Trường hợp đất vườn liền kề đất ở được xác định là đất ở:

Cũng theo điểm đ khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai 2013, khoản 5 Điều 4 Nghị định 44/2014/NĐ-CP và khoản 4 Điều 3 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, giá đền bù đất vườn liền kề đất ở khi bị thu hồi được tính như sau:

Giá trị của thửa đất cần định giá (01m2) = Giá đất trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K)

Trong đó:

  • Giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành ban hành áp dụng theo từng giai đoạn 05 năm.
  • Hệ số điều chỉnh giá đất khi tính tiền bồi thường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng sẽ quyết định tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi.
Trên đây là giải đáp về Giá đền bù đất vườn liền kề đất ở khi bị thu hồi như thế nào? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.