Dồn điền đổi thửa: Điều kiện, hồ sơ và thủ tục thực hiện

Dồn điền đổi thửa được hiểu là việc hộ gia đình, cá nhân đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nhau nhằm hình thành cánh đồng mẫu lớn để thuận tiện cho việc canh tác đất nông nghiệp. Để thực hiện được chính sách này, người dân cần biết một số quy định dưới đây.


Quy định chung về dồn điền đổi thửa

* Điều kiện dồn điền đổi thửa

“Dồn điền đổi thửa” thực chất là việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm) giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau trong cùng một xã, phường, thị trấn.

Theo đó, khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.

- Đất không có tranh chấp.

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

- Trong thời hạn sử dụng đất.

* Một số quy định khác về dồn điền đổi thửa

- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.

- UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất lập phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả tiến độ thời gian thực hiện chuyển đổi) và gửi phương án đến Phòng Tài nguyên và Môi trường.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra phương án trình UBND cấp huyện phê duyệt và chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi ruộng đất theo phương án được duyệt.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính.

Quy định thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa (Ảnh minh họa)

Hồ sơ, thủ tục dồn điền đổi thửa

* Hồ sơ đề nghị dồn điền đổi thửa

Căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNTMT, hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dồn điền đổi thửa được nộp chung cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi đất nông nghiệp gồm có:

- Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK của từng hộ gia đình, cá nhân.

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đối với trường hợp đất đang thế chấp tại tổ chức tín dụng.
- Văn bản thỏa thuận về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

- Phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất đã được UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt.

- Biên bản giao nhận ruộng đất theo phương án dồn điền đổi thửa (nếu có).

* Thủ tục dồn điền đổi thửa

Căn cứ khoản 6 Điều 78 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 25 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, khi tiếp nhận hồ sơ thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

- Kiểm tra hồ sơ, xác nhận nội dung thay đổi vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

- Chuẩn bị hồ sơ để Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho người đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa theo phương án được duyệt.

- Lập hoặc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; tổ chức trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Lưu ý: Trường hợp người sử dụng đất đang thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng thì người sử dụng đất nộp bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho Giấy chứng nhận đã cấp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận mới.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thông báo danh sách các trường hợp làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức tín dụng nơi nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xác nhận việc đăng ký thế chấp vào Giấy chứng nhận sau khi được cơ quan có thẩm quyền ký cấp.

Việc trao Giấy chứng nhận được thực hiện đồng thời giữa ba bên gồm Văn phòng đăng ký đất đai, người sử dụng đất và tổ chức tín dụng; người sử dụng đất ký, nhận Giấy chứng nhận mới từ Văn phòng đăng ký đất đai để trao cho tổ chức tín dụng nơi đang nhận thế chấp; tổ chức tín dụng có trách nhiệm trao Giấy chứng nhận cũ đang thế chấp cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.

Kết luận: Khác với việc đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau thì chính sách dồn điền đổi thửa là việc đổi một hoặc nhiều thửa đất ruộng nhằm tập hợp các thửa đất này thành một dải hay một thửa đất rộng để tạo thành cánh đồng mẫu lớn. Do đó, UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất phải lập phương án chuyển đổi cho toàn xã, phường, thị trấn và gửi phương án đến Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> 7 điều người dân cần biết khi sử dụng đất 50 năm

>> Xem thêm các chính sách mới về đất đai tại đây

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục