Người sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở để được chứng nhận quyền sở hữu với công trình đó vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ) thì tùy vào từng đối tượng mà có những điều kiện khác nhau:
I. Chủ sở hữu công trình xây dựng đồng thời là người sử dụng đất
Theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai chủ sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở được chứng nhận quyền sở hữu như sau:
Với hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư
* Giấy tờ ghi tên mình:
Hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư phải có một trong các loại giấy tờ sau:
1. Giấy phép xây dựng công trình đối với trường hợp phải xin phép xây dựng.
Lưu ý:
Trường hợp công trình đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp phải đủ 02 điều kiện sau:
- Điều kiện 1: Phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình.
- Điều kiện 2: Tại thời điểm đề nghị cấp Sổ đỏ phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Giấy tờ về sở hữu công trình xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ, trừ trường hợp Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng;
3. Giấy tờ mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế công trình xây dựng theo quy định đã được công chứng hoặc chứng thực;
4. Giấy tờ của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu công trình xây dựng đã có hiệu lực pháp luật.
* Giấy tờ ghi tên người khác:
- Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có 01 trong 04 loại giấy tờ trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì:
+ Phải có một trong các giấy tờ mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế công trình xây dựng trước ngày 01/7/2004 có chữ ký của các bên có liên quan và được UBND từ cấp xã trở lên xác nhận;
+ Trường hợp mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế công trình xây dựng trước ngày 01/7/2004 mà không có giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế có chữ ký của các bên có liên quan thì phải được UBND cấp xã xác nhận vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế công trình xây dựng đó.
Lưu ý:
- Trường hợp cá nhân trong nước không có 01 trong 04 loại giấy tờ trên thì phải được UBND cấp xã xác nhận công trình đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01/7/2004 và công trình được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
- Trường hợp công trình hoàn thành xây dựng từ ngày 01/7/2004 thì phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về công trình xây dựng không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp xây dựng trước ngày 01/7/2004; trường hợp công trình thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại công trình đó.
Điều kiện cấp Sổ đỏ cho công trình xây dựng (Ảnh minh họa)
Với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để được chứng nhận công trình xây dựng không phải là nhà ở thì tùy từng trường hợp mà phải có giấy tờ theo quy định, cụ thể:
Trường hợp 1. Có (tạo lập) công trình xây dựng thông qua đầu tư xây dựng mới theo quy định của pháp luật thì phải đủ 02 điều kiện sau:
- Điều kiện 1: Quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
- Điều kiện 2: Qiấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc hợp đồng thuê đất với người sử dụng đất có mục đích sử dụng đất phù hợp với mục đích xây dựng công trình.
Trường hợp 2: Tạo lập công trình xây dựng bằng một trong các hình thức mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật thì phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật (ví dụ: Hợp đồng chuyển nhượng (mua bán) được công chứng tại tổ chức công chứng).
Lưu ý:
- Nếu không có một trong những giấy tờ thuộc 02 trường hợp trên thì phải được cơ quan quản lý về xây dựng cấp tỉnh xác nhận công trình xây dựng tồn tại trước khi có quy hoạch xây dựng mà nay vẫn phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Nếu công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy tờ thuộc 02 trường hợp trên thì phần diện tích công trình không phù hợp với giấy tờ phải:
+ Được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng kiểm tra, xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy tờ không ảnh hưởng đến an toàn công trình;
+ Phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
(nếu không được xác nhận và không phù hợp với quy hoạch sẽ không được chứng nhận vào Sổ đỏ - có thể sẽ bị cưỡng chế (tháo rỡ, khôi phục hiện trạng ban đầu…).
II. Chủ sở hữu công trình xây dựng không đồng thời là người sử dụng đất
Theo khoản 3 Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP trường hợp chủ sở hữu công trình xây dựng không đồng thời là người sử dụng đất (đất của người khác - công trình xây dựng không phải là nhà ở là của mình) để được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng khi làm Sổ đỏ phải đáp ứng được 02 điều kiện sau:
- Điều kiện 1: Có giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu công trình.
- Điều kiện 2: Phải có văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất.
>> Điều kiện cấp Sổ đỏ cho nhà ở
Khắc Niệm