6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

Vừa qua, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã chính thức thông qua, thay thế cho Luật Quy hoạch đô thị 2009 và sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan. và bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2025. Cùng LuatVietnam cập nhật 06 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 ngay trong bài viết dưới đây.

1. Không yêu cầu lấy ý kiến của dân cư khi xây dựng nhiệm vụ quy hoạch

Không yêu cầu lấy ý kiến người dân đối với nhiệm vụ quy hoạch chung (Ảnh minh họa)

Nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 sẽ rút gọn trình tự lập quy hoạch. Cụ thể:

(1) Không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ đô thị mới, thị trấn và xã)

Điều này được thể hiện tại Điều 36 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 như sau:

Điều 36. Lấy ý kiến về nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn

1. Trách nhiệm lấy ý kiến được quy định như sau:

a) Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn có trách nhiệm lấy ý kiến trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch. Đối với nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc trách nhiệm tổ chức lập của Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến;

b) Cơ quan thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn có trách nhiệm lấy ý kiến trong quá trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch.

2. Đối tượng lấy ý kiến gồm các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

3. Nội dung lấy ý kiến gồm nội dung của nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn; đối với những nội dung thuộc bí mật nhà nước phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

4. Việc lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn được thực hiện theo hình thức gửi hồ sơ để đối tượng lấy ý kiến nghiên cứu, có ý kiến bằng văn bản. Các cơ quan được yêu cầu có trách nhiệm cho ý kiến bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định.

5. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch trước khi trình thẩm định, trình phê duyệt. Nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình phải được công bố công khai và bảo đảm quy chế dân chủ, công khai, minh bạch.

Có thể thấy, so với Luật Quy hoạch đô thị 2009 thì từ 01/7/2025 sẽ không còn yêu cầu lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch đô thị mà chỉ lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

(2) Không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu với các đô thị vừa và nhỏ

2. Bổ sung quy định về quy hoạch không gian ngầm từ 01/7/2025

Nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước, Điều 34 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 đã có quy định rõ hơn về quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc trung ương như sau:

Điều 34. Quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc trung ương

1. Quy hoạch không gian ngầm bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Xác định yêu cầu, nội dung theo quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt;

b) Đánh giá các điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, địa chất thủy văn;

c) Đánh giá hiện trạng về xây dựng các công trình trên mặt đất và ngầm;

d) Xác định nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm;

đ) Xác định khu vực khai thác, sử dụng không gian ngầm, khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng công trình ngầm;

e) Xác định khu vực xây dựng công trình công cộng ngầm được hình thành theo dự án độc lập; công trình giao thông ngầm; khu vực xây dựng công trình trên mặt đất để sử dụng đấu nối không gian cho mục đích kết nối công trình ngầm; yêu cầu về bảo vệ môi trường;

g) Xác định các giai đoạn thực hiện quy hoạch.

2. Các bản vẽ thể hiện nội dung của quy hoạch không gian ngầm được lập theo tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định.

3. Thời hạn của quy hoạch không gian ngầm được xác định trên cơ sở quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương.

Như vậy, tới đây, toàn bộ những nội dung của quy hoạch không gian ngầm sẽ được thể hiện qua các bản vẽ theo tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000.

3. Những nội dung khi công khai quy hoạch đô thị và nông thôn

Về việc công bố quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật mới quy định rõ, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt, nội dung quy hoạch phải được công bố công khai trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước.

Nội dung, tài liệu công bố quy hoạch bao gồm:

  • Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (nếu có)
  • Quyết định phê duyệt quy hoạch
  • Các bản vẽ quy hoạch
  • Thuyết minh quy hoạch
  • Quy định quản lý theo quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn, cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm:

  • Dữ liệu điện tử của hồ sơ quy hoạch sau khi phê duyệt
  • Cơ sở dữ liệu địa lý về quy hoạch đô thị và nông thôn gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa

Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định chung về nội dung công bố công khai bao gồm toàn bộ nội dung của đồ án quy hoạch đô thị và quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành, trừ những nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước.

Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị có trách nhiệm cập nhật đầy đủ tình hình triển khai thực hiện đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt để cơ quan có thẩm quyền công bố công khai kịp thời cho các tổ chức, cá nhân biết và giám sát thực hiện.

4. Quy định chặt chẽ hơn với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch

Bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch từ 01/7/2025 (Ảnh minh họa)

Từ 01/7/2025, việc điều chỉnh quy hoạch được quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 như sau:

Điều 46. Các loại điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn và nguyên tắc điều chỉnh

...

2. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định như sau:

a) Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và nông thôn được tiến hành trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch đô thị và nông thôn và khi có một trong các điều kiện điều chỉnh quy hoạch quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 45 của Luật này mà nội dung dự kiến điều chỉnh không làm thay đổi tính chất, chức năng, phạm vi ranh giới, các giải pháp quy hoạch chính của khu vực đã được lập, phê duyệt quy hoạch và đánh giá tác động của việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch bảo đảm không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Khi xuất hiện điều kiện quy định tại khoản 8 Điều 45 của Luật này, quy hoạch chi tiết được điều chỉnh cục bộ mà không phải thực hiện rà soát quy hoạch;

b) Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và nông thôn không thực hiện trình tự lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn được lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch hoặc lựa chọn tổ chức tư vấn đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật này để tổ chức lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Như vậy, Luật mới đã bổ sung quy định rõ hơn đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, như:

  • Quy hoạch chi tiết có thể điều chỉnh cục bộ mà không cần rà soát nếu thuộc điều kiện khoản 8 Điều 45 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024.
  • Thực hiện rà soát quy hoạch trước khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đồng thời đáp ứng các căn cứ, điều kiện điều chỉnh như không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng của khu vực điều chỉnh
  • Có đánh giá về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, những tác động tiêu cực của việc điều chỉnh và đề xuất giải pháp, biện pháp thực hiện đảm bảo tuân thủ, phù hợp với quy hoạch cấp trên cùng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan…

5. Kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn

Điều 10 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 đã bổ sung rõ hơn về quy định kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn như sau:

(1) Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

(2) Nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm:

- Kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước;

- Kinh phí của tổ chức được lựa chọn làm chủ đầu tư;

- Nguồn kinh phí hợp pháp khác.

(3) Kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn được sử dụng đối với các công việc sau đây:

- Khảo sát địa hình phục vụ lập quy hoạch đô thị và nông thôn;

- Lập và điều chỉnh, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn;

- Quản lý nghiệp vụ công tác lập quy hoạch đô thị và nông thôn;

- Công bố, công khai quy hoạch đô thị và nông thôn;

- Cắm mốc theo quy hoạch đô thị và nông thôn;

- Lập báo cáo rà soát quy hoạch; tổ chức đấu thầu; tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch;

- Xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn;

- Công việc khác liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

6. Chỉ lấy ý kiến của Bộ Xây dựng khi xét quy hoạch đô thị loại III trở lên

Vẫn nhằm để đơn giản hóa trình tự, thủ tục lấy ý kiến về quy hoạch, từ 01/7/2025, điểm b khoản 2 Điều 37 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 nêu rõ:

Điều 37. Lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn

2. Đối tượng lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định như sau:

b) Đối với quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại II, đô thị loại III, quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại II, đô thị loại III và quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi họp Hội đồng thẩm định;

4. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, Bộ Xây dựng có trách nhiệm cho ý kiến về sự bảo đảm phù hợp với yêu cầu về phát triển, kết nối hạ tầng kỹ thuật vùng, tỉnh và việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong nội dung quy hoạch.

Theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị 2009, đối với quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới..., trước khi phê duyệt, UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên từ 01/7/2025 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 đã điều chỉnh UBND cấp tỉnh chỉ cần thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi họp Hội đồng thẩm định với:

  • Quy hoạch chung đô thị loại III trở lên
  • Quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại III trở lên.

Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về 06 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Đất 03 là gì? Đất 03 có được xây nhà không?

Thuật ngữ “đất 03” có lẽ vẫn là một thuật ngữ tương đối xa lạ với người sử dụng đất hiện nay. Vậy đất 03 là gì? Đất 03 có được xây nhà không? Cùng LuatVietnam tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.