- 1. Điều chỉnh quy định về dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng
- 2. Phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu, cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề
- 3. Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng
- 4. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin
1. Điều chỉnh quy định về dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng
So với Nghị định 15, quy định về dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng có sự điều chỉnh tại Nghị định 175/2024/NĐ-CP:
Nghị định 15/2021/NĐ-CP | Nghị định 175/2024/NĐ-CP |
Điều 5. Phân loại dự án đầu tư xây dựng 3. Trừ trường hợp người quyết định đầu tư có yêu cầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm: a) Dự án đầu tư xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo; b) Dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất); c) Dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lắp đặt thiết bị hoặc dự án sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có chi phí xây dựng (không bao gồm chi phí thiết bị) dưới 10% tổng mức đầu tư và không quá 05 tỷ đồng (trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư). | Điều 5. Phân loại dự án đầu tư xây dựng 3. Dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, gồm: a) Dự án đầu tư xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo; b) Dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư không quá 20 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất), trừ dự án đầu tư xây dựng công trình di sản văn hoá thực hiện theo pháp luật về di sản văn hoá; c) Dự án đầu tư xây dựng nhóm C nhằm mục đích bảo trì, duy tu, bảo dưỡng; d) Dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa; đ) Dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lắp đặt thiết bị hoặc dự án sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có chi phí xây dựng (không bao gồm chi phí thiết bị) dưới 10% tổng mức đầu tư và không quá 10 tỷ đồng (trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư); |
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 175, dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp là không quá 20 tỷ đồng, trước đây quy định hạn mức dưới 15 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư cho hạng mục này không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, bổ sung thêm 02 loại dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm: (i) Dự án đầu tư xây dựng nhóm C nhằm mục đích bảo trì, duy tu, bảo dưỡng và (ii) Dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa.
Các dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ,... không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình đã được tăng mức chi phí xây dựng từ không quá 05 đồng lên không quá 10 tỷ đồng (điểm c khoản 3 Điều 5 Nghị định 175).
2. Phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu, cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề
Nghị định số 175 đã sửa đổi các quy định tại Nghị định số 15 theo hướng phân cấp mạnh mẽ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và của Bộ Xây dựng về cho địa phương thực hiện.
(i) Về quản lý năng lực hoạt động xây dựng
Theo khoản 1 Điều 77 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định phân cấp toàn bộ thẩm quyền cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề hạng I cho địa phương thực hiện. Đồng thời, loại bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề đối với một số lĩnh vực không còn cần thiết.
Trước đây, thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề hạng I do cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng cấp theo khoản 1 Điều 64 Nghị định 15.
(ii) Về thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan chuyên môn về xây dựng
Nghị định 175 đã phân cấp triệt để cho địa phương thực hiện, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chỉ thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu đối với dự án có công trình cấp đặc biệt, công trình phức tạp, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Với việc phân cấp triệt để này, số thủ tục hành chính từ cơ quan trung ương được phân cấp thêm cho địa phương thực hiện khoảng 95% về thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu và 100% về cấp chứng chỉ.
Đồng thời, để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước khi thực hiện phân cấp, Nghị định 175 đã bổ sung quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc các Bộ chuyên ngành tăng cường kiểm tra việc tổ chức quản lý, thực hiện của cơ quan chuyên môn tại địa phương.
3. Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng
Nghị định số 175/2024 NĐ-CP đã chuẩn hóa hồ sơ yêu cầu trình nộp gắn với nội dung thực hiện thủ tục hành chính; lược bỏ tối đa các giấy tờ không cần thiết để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Ngoài ra, loại bổ một số thông tin, giấy tờ pháp lý đã có trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (khi các hệ thống này đi vào hoạt động, chia sẻ, kết nối).
Loại bỏ các nội dung quản lý trùng lặp giữa các bước trong trình tự đầu tư; quy định rõ danh mục, tiêu chí tuân thủ khi thực hiện đánh giá tại các thủ tục hành chính về thẩm định, cấp giấy phép xây dựng, cấp chứng chỉ,… để tăng cường minh bạch.
Nghị định số 175/2024 NĐ-CP loại bỏ một số trường hợp yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng. Gộp một số lĩnh vực chứng chỉ hành nghề không yêu cầu chuyên môn chuyên biệt (quản lý dự án, giám sát xây dựng,…). Kéo dài hiệu lực chứng chỉ hành nghề cá nhân từ 05 năm lên 10 năm.
4. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin
Ứng dụng mô hình thông tin công trình và các giải pháp công nghệ số là một nội dung được khuyến khích áp dụng tại Nghị định 15. Tuy nhiên, Nghị định 175 đã đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống thông tin công trình (BIM) và quy định chi tiết tại Điều 8.
Theo đó, BIM được áp dụng bắt buộc đối với dự án có quy mô từ nhóm B trở lên ở thời điểm bắt đầu chuẩn bị dự án và chỉ yêu cầu áp dụng đối với công trình xây dựng mới từ cấp II trở lên thuộc dự án.
Đối với các công trình khác, khuyến khích chủ đầu tư chủ động áp dụng BIM trong đầu tư xây dựng và cung cấp tập tin BIM theo quy định tại khoản 4 và điểm c khoản 5 Điều 8 Nghị định 175.
Việc kết hợp áp dụng BIM và hệ thống cơ sở dữ liệu trong quản lý hoạt động xây dựng về thẩm định, cấp giấy phép xây dựng sẽ là cơ hội để tăng tốc số hóa trong ngành xây dựng.
Trên đây là tổng hợp điểm mới của Nghị định 175 về quản lý hoạt động xây dựng so với Nghị định 15.