Đất trồng cây lâu năm có tách thửa được không? là vấn đề được hầu hết người dùng đất quan tâm. Vậy pháp luật hiện nay quy định về vấn đề này thế nào? Bài viết sau sẽ giúp bạn có được câu trả lời rõ nhất.
1. Đất trồng cây lâu năm có tách thửa được không?
Theo khoản 1 Điều 9 Luật Đất đai 2024, đất trồng cây lâu năm là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp và được sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm như cacao, cà phê, chè, điều, dừa, sầu riêng, xoài,…
Trong đó, tách thửa đất trồng cây lâu năm được hiểu là phân chia quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm từ người đứng tên trong Sổ đỏ cho một hoặc nhiều người khác.
Hiện nay, Luật Đất đai 2024 và các văn bản khác có liên quan không cấm người sử dụng đất nông nghiệp (trong đó có đất trồng cây lâu năm) tách thửa đất để lên thổ cư hay chuyển nhượng, tặng cho… mà chỉ quy định về các điều kiện để được tách thửa đất.
Nói cách khác, người sử dụng đất trồng cây lâu năm có quyền thực hiện thủ tục tách thửa đất nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện tách thửa theo quy định pháp luật.
2. Điều kiện tách thứa đất trồng cây lâu năm thế nào?
Căn cứ Điều 220 Luật Đất đai 2024, điều kiện chung để thực hiện tách thửa đất trồng cây lâu năm như sau:
- Đất phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Đất có nhu cầu tách thửa không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nếu có tranh chấp thì đã được giải quyết thông qua bản án, quyết định của Tòa án...
- Đất trồng cây lâu năm chưa hết thời hạn sử dụng;
- Thửa đất đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành.
Trong đó, căn cứ khoản 2 Điều 220 Luật Đất đai 2024, diện tích tách thửa tối thiểu đối với đất trồng cây lâu năm sẽ cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy định sao cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Ngoài ra, tại một số địa phương có thể sẽ quy định thêm một số điều kiện tách thửa đất như:
- Việc tách thửa đất phải đảm bảo quyền sử dụng đất hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự;
- Thửa đất nông nghiệp sau khi tách thửa phải đảm bảo việc cấp nước, thoát nước, nước tưới, tiêu nước, phải thực hiện đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự
- Tách thửa trong trường hợp tách thửa bao gồm đất ở và đất nông nghiệp cùng thửa với đất ở mà không được công nhận là đất ở…
(Người sử dụng đất cần đọc kỹ các văn bản mới nhất liên quan đến tách thửa của địa phương nơi có đất đất để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện).
3. Diện tích tối thiểu tách thửa đất trồng cây lâu năm là bao nhiêu?
Diện tích tối thiểu tách thửa đất trồng cây lâu năm là một trong những vấn đề người sử dụng đất cần lưu ý khi làm thủ tục tách thửa.
Theo khoản 2 Điều 220 Luật Đất đai 2024 thì diện tích tách thửa đất trồng cây lâu năm ở mỗi địa phương được quy định khác nhau. Do đó, người sử dụng đất cần kiểm diện tích tách thửa tối thiểu tại các văn bản do địa phương nơi có đất quy định.
Ví dụ, tại Hà Nội, theo Điều 14 Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND, thửa đất nằm ngoài ranh giới khu dân cư thì thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng như sau:
Loại đất | Diện tích đất tối thiểu | |
Các phường, thị trấn | Các xã | |
Đất trồng cây hằng năm | 300m² | 500m² |
Đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp khác | 500m² | 1.000m² |
Đất nuôi trồng thủy sản | 500m² | 1.000m² |
Đất rừng sản xuất | 5.000m² | 5.000m² |
Bạn cần biết: Diện tích tối thiểu được tách thửa 63 tỉnh thành (cập nhật)
4. Phí tách thửa đất trồng cây lâu năm bao nhiêu?
Khi thực hiện tách thửa đất trồng cây lâu năm, người dân có thể phải chịu các khoản phí, lệ phí dưới đây:
- Phí đo đạc tách thửa
Phí này sẽ được trả cho tổ chức dịch vụ đo đạc nên khoản tiền này tính theo giá dịch vụ.
- Lệ phí trước bạ
Trong trường hợp tách thửa gắn với việc chuyển nhượng, tặng cho,… quyền sử dụng đất, người dân sẽ phải nộp thêm lệ phí trước bạ. Căn cứ Nghị định 10/2022/NĐ-CP và điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư 13/2022/TT-BTC:
- Trường hợp 1: Giá đất tại hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho cao hơn giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành quy định: Lệ phí trước bạ = 0,5% x (Giá tại hợp đồng x m2)
- Trường hợp 2: Giá đất tại hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng thấp hơn hoặc bằng giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành quy định: Lệ phí trước bạ = 0,5% x (Giá 01m2 x Giá đất trong bảng giá đất)
- Phí thẩm định hồ sơ
Trường hợp nếu chỉ tách thửa mà không bán, chuyển nhượng hay tặng cho… thì không phải nộp khoản phí này.
Ngược lại, trường hợp tách thửa để chuyển nhượng, tặng cho sẽ phải nộp phí thẩm định hồ sơ chuyển nhượng, tặng cho.
Khi đó, phí thẩm định hồ sơ do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành quy định nên mức thu khác nhau.
Xem chi tiết: Phí thẩm định hồ sơ cấp Sổ đỏ, sang tên của các tỉnh, thành
Trên đây là giải đáp về Đất trồng cây lâu năm có tách thửa được không? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 19006192 của LuatVietnam để được hỗ trợ, giải đáp.