Đất rừng sản xuất là gì? Ký hiệu của đất rừng sản xuất thế nào?

Đất rừng sản xuất là gì? Đất rừng sản xuất ký hiệu là gì? Là những vấn đề sẽ được LuatVietnam giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Đất rừng sản xuất là gì?

Theo điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất rừng sản xuất là một trong các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Loại đất này được sử dụng chủ yếu vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, đất rừng sản xuất được phân loại thành:

- Rừng sản xuất là rừng tự nhiên: Gồm có rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên

- Rừng sản xuất là rừng trồng: Gồm rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư.

Đất rừng sản xuất là một trong các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp (Ảnh minh họa)

2. Ký hiệu của đất rừng sản xuất

Vừa rồi, LuatVietnam đã giúp bạn đọc hiểu đất rừng sản xuất là gì? Đồng thời, căn cứ theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 75/2015/TT-BTNMT, đất rừng sản xuất có ký hiệu là RSX.

Vì vậy, khi đọc thông tin bản đồ địa chính trong Sổ đỏ, trường hợp có ghi ký hiệu RSX tức phần diện tích đất này là đất rừng sản xuất. Việc tìm hiểu kỹ ký hiệu của loại đất sẽ giúp người sử dụng đất nhận biết được loại đất mình đang sử dụng cũng như mục đích sử dụng của mảnh đất đó.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp trên Sổ đỏ đã ghi rõ ràng mục đích sử dụng đất của từng thửa đất thì trên bản đồ có thể không ghi chú các ký hiệu của loại đất đó nữa.

3. Hạn mức giao đất rừng sản xuất là bao nhiêu?

Khi tìm hiểu về đất rừng sản xuất, người sử dụng đất cũng rất quan tâm đến hạn mức giao đất. Theo khoản 3, 4 Điều 129 Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức giao đất rừng sản xuất cho các cá nhân, hộ gia đình như sau:

- Hạn mức giao đất rừng sản xuất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta;

- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 héc ta.

Ngoài ra, đối với diện tích đất của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ngoài xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng, nếu là đất được giao không thu tiền sử dụng đất thì được tính vào hạn mức giao đất của mỗi hộ gia đình, cá nhân.

Trường hợp diện tích đất của hộ gia đình, cá nhân do nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất thì không tính vào hạn mức giao đất nêu trên.

4. Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến đất rừng sản xuất

4.1 Đất rừng sản xuất có được cấp Sổ đỏ không?

Theo quy định tại Điều 98 Luật Đất đai 2013, Điều 33 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, đất rừng sản xuất  là loại đất rừng được Nhà nước cấp Sổ đỏ.

Theo đó, điều kiện cấp sổ đỏ đối với đất rừng sản xuất được quy định tại Điều 99, Điều 100, Điều 101, Điều 102 Luật Đất đai 2013 và các văn bản khác có liên quan gồm:

- Nguồn gốc sử dụng đất rừng sản xuất thuộc một trong những trường hợp được quy định tại Điều 99 Luật Đất đai 2013

- Việc sử dụng đất rừng sản xuất không thuộc trường hợp không được cấp sổ đỏ theo Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP

- Việc sử dụng đất là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất

- Đất rừng sản xuất phải được sử dụng ổn định, không tranh chấp, không vi phạm pháp luật đất đai

- Người sử dụng đất phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

4.2 Đất rừng sản xuất có được chuyển nhượng không?

Hiện nay pháp luật không cấm chuyển nhượng đất rừng sản xuất, tuy nhiên khi chuyển nhượng đất rừng sản xuất cần đảm bảo các điều kiện sau:

  • Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
  • Đất không có tranh chấp;
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Trong thời hạn sử dụng đất.

Ngoài các điều kiện nêu trên còn cần đáp ứng điều kiện về hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất. Theo đó, đối với ssất rừng sản xuất là rừng trồng hạn mức chuyển nhượng như sau:

- Không quá 150 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;

- Không quá 300 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 còn quy định hộ gia đình, cá nhân không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất cho tổ chức kinh tế nếu không thuộc trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt bằng văn bản.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 192 Luật Đất đai 2013:

Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.”

Như vậy, người nhận chuyển nhượng phải có hộ khẩu tại khu vực rừng muốn chuyển nhượng.

Trên đây là giải đáp về Đất rừng sản xuất là gì? Đất rừng sản xuất ký hiệu là gì? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp cụ thể.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục