Năm 2023, đất rừng phòng hộ có được cấp Sổ đỏ không?

Đất rừng phòng hộ là một trong các loại đất rừng thuộc nhóm đất nông nghiệp. Vậy, đất rừng phòng hộ có được cấp Sổ đỏ không? Bài viết dưới đây của LuatVietnam sẽ giải đáp vấn đề này.

1. Đất rừng phòng hộ là gì?

Theo Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2015 quy định rừng phòng hộ là loại rừng được dùng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, lũ quét, lũ ống, sạt lở, chống sa mạc hóa. Đồng thời, giúp hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí…

Căn cứ theo định nghĩa nêu trên về rừng phòng hộ, có thể hiểu đất rừng phòng hộ là đất đáp ứng điều kiện để sử dụng vào mục đích trồng rừng. Phân loại đất rừng phòng hộ sẽ tương ứng với các loại rừng phòng hộ, gồm:

- Đất rừng phòng hộ đầu nguồn;

- Đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay;

- Đất rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển;

- Đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

Năm 2023, đất rừng phòng hộ có được cấp Sổ đỏ không? (Ảnh minh họa)

2. Đất rừng phòng hộ có được cấp Sổ đỏ không?

Khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp sử dụng đất được cấp Giáy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm:

- Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật Đất đai 2013;

- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 01/7/2014;

- Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ…

Mặt khác, Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP cũng quy định về các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm:

Điều 19. Các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

1. Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai.

2. Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

3. Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

4. Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.

5. Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

6. Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.

Theo quy định nêu trên, có thể thấy trường hợp người được giao khoán, quản lý đất rừng phòng hộ không thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận.

Nói cách khác, đất rừng trong trường hợp được Nhà nước giao trực tiếp hoặc cho thuê có khả năng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện cấp giấy theo quy định pháp luật. Còn trường hợp đất phòng hộ được giao khoán sẽ không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận.

3. Đất rừng phòng hộ có được chuyển đổi không?

Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau:

Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất

1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Điểm c khoản 1 Điều 57 nêu trên đã chỉ rõ, việc chuyển đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy có thể hiểu người được giao quản lý, sử dụng đất rừng đặc dụng được phép chuyển mục đích sử dụng đất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp khi được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trên đây là giải đáp về đất rừng phòng hộ có được cấp Sổ đỏ không? Mọi vấn đề còn vướng mắc đến đất đai - nhà ở, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.