Đất nông nghiệp khác thuộc nhóm đất nông nghiệp, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Vậy, cụ thể đất nông nghiệp khác được làm gì? Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc giải đáp vấn đề này.
Đất nông nghiệp khác được làm gì?
Theo điều g khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024, đất nông nghiệp khác thuộc nhóm đất nông nghiệp, được dùng để sử dụng vào các mục đích:
- Ươm tạo cây giống, con giống, trồng hoa, cây cảnh; trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm;
- Xây dựng nhà kính và các loại nhà khác để trồng trọt, chăn nuôi kể cả không trực tiếp trên đất;
- Xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp: Xây dựng nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động; xây dựng công trình để bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác.
(Căn cứ khoản 7 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP)
Như vậy, đất nông nghiệp khác vẫn mang những đặc điểm của đất nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, khác với các loại đất nông nghiệp khác, đất này sẽ được sử dụng để dùng vào các mục đích nêu trên.
Theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về ký hiệu các loại đất theo phân loại nhóm đất của Luật Đất đai 2013 tại bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính, đất nông nghiệp khác có ký hiệu là NKH.
Có được xây nhà trên đất nông nghiệp khác không?
Tại Điều 195, Điều 196 Luật Đất đai 2024, đất ở tại nông thôn và tại thành phố là loại đất được sử đụng để xây dựng nhà ở.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 31 Luật Đất đai 2024 quy định một trong những nghĩa vụ của người sử dụng đất là phải sử dụng đất đúng mục đích. Do đó, pháp luật không cho phép xây nhà trên đất nông nghiệp khác.
Như vậy, người sử dụng đất không được tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp khác mà phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Khi đó, người có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác sang đất ở phải chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ theo quy định tại Điều 44 Nghị định 102/2024/NĐ-CP sau:
- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 02c;
- Giấy chứng nhận/Sổ đỏ/Sổ hồng (bản gốc) đã cấp cho người sử dụng đất;
- Giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của người sử dụng đất.
Lưu ý: Người chuyển mục đích sử dụng đất có nghĩa vụ đóng nộp các khoản tài chính theo thông báo để được chuyển mục đích sử dụng đất. Các loại thuế phí gồm:
- Tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích;
- Phí thẩm định hồ sơ chuyển mục đích;
- Lệ phí cấp giấy chứng nhận.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đến bộ phận Một cửa của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Về thời hạn giải quyết: Căn cứ điểm q Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, thời gian thực hiện đăng ký biến động chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 10 ngày làm việc.
Trên đây là giải đáp vấn đề: Đất nông nghiệp khác được làm gì? Nếu còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.