Đây là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm hiện nay nhưng không phải ai cũng nắm rõ cầu trẩ lời. Bài viết dưới đây của LuatVietnam sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Đất nông nghiệp khác có chuyển nhượng được không?
Trước tiên, cần hiểu thế nào là đất nông nghiệp khác. Theo điểm h khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất nông nghiệp khác là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, được sử dụng để: Xây dựng nhà kính và các loại nhà khác để trồng trọt; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; ươm tạo cây giống, con giống…
Mặt khác, khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 nêu rõ chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một trong những quyền cơ bản của người sử dụng đất. Trong đó, pháp luật không có quy định cấm chuyển nhượng đất nông nghiệp khác.
Do vậy, người sử dụng đất có thể chuyển nhượng đất nông nghiệp khác khi có nhu cầu và đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định pháp luật.
2. Điều kiện chuyển nhượng đất nông nghiệp khác thế nào?
Tương tự với đất nông nghiệp nói chung, người sử dụng đất được chuyển nhượng đất nông nghiệp khác khi đáp ứng điều kiện sau căn cứ theo Điều 188 Luật Đất đai 2013:
- Đã được cấp Giấy chứng nhận cho thửa đất nông nghiệp chuyển nhượng;
- Thửa đất nông nghiệp chuyển nhượng không thuộc trường hợp bị kê biên để đảm bảo thi hành án/kê biên áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Đất không bị tranh chấp;
- Thửa đất nông nghiệp phải còn thời hạn sử dụng.
- Đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho các hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số thì chỉ được chuyển nhượng sau 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất.
Như vậy, để chuyển nhượng đất nông nghiệp khác, người sử dụng đất cần đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.
3. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp khác
Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp khác được thực hiện theo các bước dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người sử dụng đất chuẩn bị 01 bộ hồ sơ hợp lệ gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai (hiện nay, đơn đăng ký được thực hiện theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.
- Bản chính hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
- Bản gốc Sổ đỏ đã được Nhà nước cấp cho người sử dụng đất.
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo Mẫu 03/BĐS-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC (áp dụng đối với trường hợp người chuyển nhượng là hộ gia đình, cá nhân).
- Trường hợp người sử dụng đất thuộc các đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân thì phải có các giấy tờ chứng minh theo quy định.
- Bản chính tờ khai lệ phí trước bạ nhà đất (thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP)
- Bản sao công chứng hoặc chứng thực các giấy tờ chứng minh thuộc diện miễn lệ phí trước bạ (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký biến động đất đai đến:
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai/Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất; hoặc
- Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn.
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ Văn phòng đăng ký đất đai/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc theo quy định của pháp luật và gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất.
Sau khi nhận được thông báo nộp thuế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, người sử dụng đất phải thực hiện việc nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước và gửi biên lai nộp thuế hoặc xác nhận của cơ quan thuế về việc được miễn thuế đến Văn phòng đăng ký đất đai/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi đã nộp hồ sơ đăng ký biến động.
Bước 4: Nhận kết quả
Trên đây là giải đáp về đất nông nghiệp khác có chuyển nhượng được không? Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.