Đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn được tách thửa

Khi tách thửa, điều kiện đầu tiên cần đáp ứng là diện tích tối thiểu. Tuy nhiên, pháp luật còn quy định thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn được tách thửa nếu xin hợp thửa với thửa đất khác.

Diện tích tối thiểu là gì?

Hiện nay, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định diện tích tối thiểu nhưng không giải thích diện tích tối thiểu là gì. Căn cứ quy định Luật Đất đai và quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa của từng tỉnh thành trong cả nước thì diện tích tối thiểu được hiểu như sau:

- Diện tích tối thiểu là diện tích mà thửa đất mới hình thành và diện tích thửa đất còn lại sau khi tách thửa không được nhỏ hơn (diện tích tối thiểu không tính phần chỉ giới xây dựng, hành lang an toàn giao thông…).

Diện tích tối thiểu được phép tách thửa mỗi địa phương là khác nhau?

Điều 43d Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Như vậy, diện tích tối thiểu được phép tách thửa của 63 tỉnh thành là khác nhau.

Xem tại: Điều kiện tách thửa của 63 tỉnh thành mới nhất.

Đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn được tách thửa

Đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn được tách thửa (Ảnh minh họa)

Nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn được tách thửa?

Mỗi tỉnh thành quy định điều kiện tách thửa là khác nhau, nhưng có điểm chung là diện tích thửa đất mới hình thành và diện tích thửa đất còn lại sau khi tách thửa không được nhỏ hơn diện tích tối thiểu.

Tuy nhiên, pháp luật còn quy định trường hợp ngoại lệ mà theo đó thửa đất dự định tách thửa không đáp ứng được điều kiện về diện tích tối thiểu vẫn được phép tách thửa nếu phần diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu xin hợp thửa với thửa đất khác, cụ thể:

Khoản 3 Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: “Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới”.

Như vậy, trường hợp tách thửa mà tạo thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu nhưng xin hợp thửa với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu thì được phép tách thửa.

Ví dụ: Diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại khu vực đô thị của TP Hà Nội là 30m2. Để được tách thửa thì diện tích tối thiểu ban đầu của thửa đất là 60m2 (tách làm 02 thửa).

Theo quy định trên, thửa đất nhỏ hơn 60m2 thì vẫn được tách làm 02 thửa với điều kiện 01 thửa bằng hoặc lớn 30m2, thửa còn lại dù không đủ 30m2 nhưng xin hợp thửa với thửa đất liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn 30m2 thì vẫn được phép tách thửa.

Kết luận: Thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn được tách thửa. Quy định này được nhiều hộ dân áp dụng trong trường hợp: Có 02 thửa đất liền kề, thửa A nhỏ hơn diện tích tối thiểu nên không được cấp Sổ đỏ, thửa B lớn hơn diện tích tối thiểu. Đề nghị tách thửa B và đồng thời xin hợp thửa một phần diện tích vào thửa A để thửa A đủ điều kiện cấp Sổ đỏ.

>> Diện tích tối thiểu được phép tách thửa của 63 tỉnh thành


Khắc Niệm
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

Vừa qua, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã chính thức thông qua, thay thế cho Luật Quy hoạch đô thị 2009 và sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan. và bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2025. Cùng LuatVietnam cập nhật 06 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 ngay trong bài viết dưới đây.