Đất không có lối đi có được phép tách thửa không?
Căn cứ Điều 220 Luật Đất đai 2024 quy định về nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất, có thể thấy nếu thuộc một trong 03 trường hợp dưới đây thì sẽ không được tách thửa đất:
(1) Thửa đất không có một trong các loại giấy chứng nhận sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
(2) Thửa đất đã hết thời hạn sử dụng đất;
(3) Đất đang có tranh chấp, bị kê biên để bảo đảm thi hành án, bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất;
Lưu ý: Một số tỉnh, thành điều kiện tách thửa không bắt buộc phải có Sổ đỏ, Sổ hồng (chỉ cần có đủ điều kiện cấp Sổ đỏ, Sổ hồng). Nghĩa là ngay cả khi thửa đất đó chưa được cấp Sổ đỏ, Sổ hồng vẫn được phép tách thửa nếu đủ điều kiện được cấp sổ.
Nếu theo những quy định của pháp luật đất đai như đã nêu ở trên thì có thể thấy ngay cả khi đất không có lối đi vẫn được tách thửa. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc “bất di bất dịch” trong Bộ luật Dân sự cũng thực tiễn áp dụng là thửa đất phải có lối đi.
Nội dung này được quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“Điều 254. Quyền về lối đi qua
1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
….
3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”.
Theo đó, khi một thửa đất được chia thành nhiều thửa khác nhau thì khi chia (tách) phải dành lối đi cần thiết cho người ở phía trong mà không có đền bù. Nghĩa là phải có lối đi và người sử dụng đất bị vây bọc không phải đền bù cho người sử dụng đất ở phía ngoài.
Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
Tóm lại, bên cạnh những điều kiện tách thửa theo quy định của pháp luật đất đai thì khi tách thửa phải có lối đi. Nói cách khác, đất không có lối đi sẽ không được tách thửa.
Cách xử lý khi đất không có lối đi
Đối với thửa đất bị vây bọc mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu mở lối đi, sau đó phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai, cụ thể như sau:
* Quyền của người có đất bị vây bọc
Căn cứ khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, người sử dụng thửa đất bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Quyền mở lối đi trên đất người khác theo quy định của Luật Đất đai là quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề.
Như vậy, quyền về lối đi qua được xác lập thông qua việc ký kết văn bản thỏa thuận giữa các bên hoặc yêu cầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết về việc mở lối đi nếu trường hợp không thỏa thuận được.
Thỏa thuận về lối đi qua gồm 02 trường hợp, cụ thể:
Trường hợp 1: Thỏa thuận mở lối đi qua có đền bù, trừ trường hợp các bên thỏa thuận không đền bù.
Nếu thửa đất phía trong không phải hình thành từ một thửa đất chung với thửa đất phía ngoài thì phải đền bù.
Trường hợp 2: Thỏa thuận mở lối đi qua nhưng không phải đền bù
Người sử dụng đất phía trong không phải đền bù cho người ở phía ngoài trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau.
* Thủ tục đăng ký lối đi qua
Căn cứ Điều 29 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký biến động đất đai gồm:
- Đơn đăng ký mẫu số 11/ĐK
- Sổ đỏ đã cấp
- Giấy tờ liên quan đến nội dung biến động như:
- Văn bản cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất
- Văn bản xác nhận tình trạng sạt lở tự nhiên do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận
- Bản vẽ tách thửa, hợp thửa…
- Văn bản đại diện (nếu thực hiện thông qua người đại diện).
* Cơ quan tiếp nhận và trả kết quả
Căn cứ Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, cơ quan tiếp nhận và trả kết quả đăng ký biến động đất đai gồm:
- Với chủ sở dụng đất, chủ sở hữu tài sản trên đất là cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì nộp hồ sơ tại:
- Bộ phận Một cửa;
- Văn phòng đăng ký đất đai;
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
- Xác định lại diện tích đất ở: Nộp hồ sơ tại Bộ phận Một cửa.
- Nếu là tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì chọn một trong hai địa điểm:
- Bộ phận Một cửa;
- Văn phòng đăng ký đất đai;
* Thời gian giải quyết: Căn cứ theo khoản 2 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, thời gian giải quyết thủ tục xác định lại diện tích đất ở, đính chính Sổ đỏ đã cấp... là ≤ 10 ngày làm việc.
Thời gian trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Trên đây là bài viết trả lời cho câu hỏi: Đất không có lối đi có được phép tách thửa không? Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được giải đáp.