Đối với nhà đất bị vây bọc bởi nhà đất của người khác mà không có lối đi thì người có nhà đất bị vây bọc phải nắm rõ quyền về lối đi qua để yêu cầu mở lối đi hợp lý trên đất người khác và đăng ký quyền về lối đi qua nhằm hạn chế tối đa tranh chấp xảy ra, cụ thể:
Quyền về lối đi qua đất người khác
Quyền về lối đi qua được quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015. Khoản 1 Điều 254 Bộ luật này nêu rõ:
“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.”.
Theo đó, đối với nhà đất không có lối đi ra đường công cộng vì bị vây bọc bởi bất động sản của người khác thì người có nhà đất bị vây bọc có quyền yêu cầu mở lối hợp lý trên phần đất của chủ sở hữu bất động sản vây bọc.
Khi mở lối đi qua có thể phải đền bù hoặc không phải đền bù, cụ thể:
(1) Mở lối đi qua có đền bù, trừ trường hợp các bên thỏa thuận không đền bù.
Trường hợp này áp dụng đối với thửa đất phía trong không hình thành từ thửa đất chung với thửa đất phía ngoài; nếu thuộc trường hợp này thì người có đất ở phía trong sẽ phải đền bù cho người có nhà đất phía ngoài theo thỏa thuận của các bên.
(2) Trường hợp mở lối đi qua nhưng không phải đền bù.
Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong và không phải đền bù.
Nói cách khác, thửa đất được tách thành nhiều thửa khác nhau cho nhiều người sử dụng đất thì khi tách thửa phải dành lối đi cần thiết cho người ở phía trong (bắt buộc phải mở lối đi) mà không phải đền bù.
Lưu ý:
- Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
- Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
Hồ sơ, thủ tục đăng ký lối đi qua
* Hồ sơ đăng ký
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Thành phần hồ sơ:
Căn cứ Điều 29 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký biến động đất đai gồm:
- Đơn đăng ký mẫu số 11/ĐK
- Sổ đỏ đã cấp
- Giấy tờ liên quan đến nội dung biến động như:
- Văn bản cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất
- Văn bản xác nhận tình trạng sạt lở tự nhiên do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận
- Bản vẽ tách thửa, hợp thửa…
- Văn bản đại diện (nếu thực hiện thông qua người đại diện).
* Cơ quan tiếp nhận và trả kết quả
Căn cứ Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, cơ quan tiếp nhận và trả kết quả đăng ký biến động đất đai gồm:
- Với chủ sở dụng đất, chủ sở hữu tài sản trên đất là cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì nộp hồ sơ tại:
- Bộ phận Một cửa;
- Văn phòng đăng ký đất đai;
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
- Xác định lại diện tích đất ở: Nộp hồ sơ tại Bộ phận Một cửa.
- Nếu là tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì chọn một trong hai địa điểm:
- Bộ phận Một cửa;
- Văn phòng đăng ký đất đai;
Kết luận: Trường hợp nhà đất không có lối đi ra đường công cộng do bị vây bọc bởi nhà đất của người khác thì người phía trong có quyền yêu cầu người bên ngoài mở lối đi hợp lý trên đất của họ, trường hợp người đó không chấp nhận thì có quyền khởi kiện để mở lối đi. Sau khi mở lối đi qua phải đăng ký với cơ quan đăng ký đất đai.
Mặc dù lý thuyết về mở lối đi khá đơn giản nhưng trên thực tế nhiều trường hợp rất phức tạp, nhất là ở các thành phố lớn hoặc nhà đất bên ngoài có diện tích nhỏ. Do đó, hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải.