Đất rừng phòng hộ có được xây nhà không là vấn đề được nhiều người dân quan tâm khi tìm hiểu về đất rừng phòng hộ. Bài viết sau của LuatVietnam sẽ giúp bạn hiểu rõ về vấn đề này.
1. Đất rừng phòng hộ gồm những loại đất nào?
Khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 4. Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp
...
3. Đất lâm nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được phân loại cụ thể như sau:
a) Đất rừng đặc dụng là đất mà trên đó có rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng đặc dụng;
b) Đất rừng phòng hộ là đất mà trên đó có rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng phòng hộ;
c) Đất rừng sản xuất là đất mà trên đó có rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích để phát triển rừng sản xuất.
...
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì đất rừng phòng hộ là đất mà trên đó có rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng phòng hộ.
Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017 thì rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:
- Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;
- Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

2. Có được xây nhà trên đất rừng phòng hộ không?
Căn cứ Điều 9 Luật Đất đai 2024, nhà ở được xây dựng trên đất ở (hay còn gọi là đất thổ cư) thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, trong khi đó, đất rừng phòng hộ thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024 có quy định về chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
Điều 121. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;
d) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
e) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
g) Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.
Theo điểm a khoản 1 Điều 121 nêu trên, trường hợp chuyển đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, pháp luật không quy định trường hợp được phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất ở (thuộc nhóm đất phi nông nghiệp).
Do đó, có thể hiểu rằng người được giao quản lý đất rừng phòng hộ không được phép xây nhà trên đất này mà chỉ được chuyển đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp và phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3. Xây nhà trên đất rừng phòng hộ bị xử lý thế nào?
Trường hợp cố ý xây nhà trên đất rừng phòng hộ được xác định là hành vi sử dụng đất rừng phòng hộ sai mục đích. Theo Điều 9 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, việc chuyển đất rừng phòng hộ là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp bị xử phạt như sau:
Diện tích đất chuyển mục đích trái phép | Mức phạt (triệu đồng) |
Dưới 0,05 héc ta | 03 - 05 |
Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta | 05 - 10 |
Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | 10 – 20 |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 20 – 50 |
Từ 01 héc ta đến dưới 02 héc ta | 50 - 100 |
Từ 02 héc ta trở lên | 100 - 150 |