1. Chủ đầu tư xây dựng là ai?
Khoản 9 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 quy định như sau:
“9. Chủ đầu tư xây dựng (sau đây gọi là chủ đầu tư) là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng.”.
Theo đó, chủ đầu tư xây dựng gồm:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn đầu tư xây dựng công trình.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng.
2. Chủ đầu tư có bao gồm hộ gia đình, cá nhân?
Bên cạnh định nghĩa quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Xây dựng 2014, chủ đầu tư còn được quy định rõ tại Điều 4 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 như sau:
- Chủ đầu tư được xác định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng hoặc khi phê duyệt dự án hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Căn cứ nguồn vốn sử dụng cho dự án đầu tư xây dựng, việc xác định chủ đầu tư được quy định như sau:
(1) Với dự án sử dụng vốn đầu tư công chủ đầu tư được xác định như sau:
- Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư.
Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư.
- Ngoài việc xác định theo quy định trên thì chủ đầu tư còn được xác định theo pháp luật đầu tư công.
(2) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công), chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng.
(3) Với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP), chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án PPP được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
(4) Đối với dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại mục (1), (2), (3) (gọi chung là dự án sử dụng vốn khác) mà pháp luật về đầu tư có quy định phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thì các nhà đầu tư có thể thành lập tổ chức hoặc ủy quyền cho một nhà đầu tư làm chủ đầu tư. Trường hợp pháp luật có liên quan quy định về việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư thì việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.
(5) Đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại mục (1), (2), (3), (4) thì chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân bỏ vốn để đầu tư xây dựng.
Như vậy, hộ gia đình, cá nhân là chủ đầu tư xây dựng trong trường hợp bỏ vốn đề đầu tư xây dựng công trình như xây dựng nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà ở liền kế, nhà ở độc lập hoặc công trình xây dựng khác như nhà kho,…
Việc xác định hộ gia đình, cá nhân là chủ đầu tư xây dựng rất quan trọng vì khi xây dựng nhà ở riêng lẻ không có quy định ghi rõ hộ gia đình, cá nhân phải làm gì, khi vi phạm bị xử lý như thế nào mà thay vào đó đều được gọi chung là chủ đầu tư xây dựng.
3. Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư khi thi công
Căn cứ Điều 112 Luật Xây dựng 2014, sửa đổi năm 2020 chủ đầu tư khi thi công xây dựng công trình có quyền và nghĩa vụ cụ thể như sau:
* Quyền của chủ đầu tư trong việc thi công xây dựng công trình
(1) Tự thực hiện thi công xây dựng công trình khi có đủ năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình phù hợp hoặc lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng.
(2) Đàm phán, ký kết hợp đồng thi công xây dựng; giám sát và yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết; xem xét, chấp thuận biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường do nhà thầu trình
(3) Đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng theo quy định của pháp luật và của hợp đồng xây dựng.
(4) Dừng thi công xây dựng công trình, yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng khắc phục hậu quả khi vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn và bảo vệ môi trường.
(5) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp để thực hiện các công việc trong quá trình thi công xây dựng công trình.
(6) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
* Nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc thi công xây dựng công trình
(1) Lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng phù hợp với loại, cấp công trình và công việc thi công xây dựng.
(2) Phối hợp, tham gia với Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng xây dựng để bàn giao cho nhà thầu thi công xây dựng.
(3) Tổ chức giám sát và quản lý chất lượng trong thi công xây dựng phù hợp với hình thức quản lý dự án, hợp đồng xây dựng.
(4) Kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường;
(5) Tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình.
(6) Thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực hoạt động xây dựng để kiểm định chất lượng công trình khi cần thiết.
(7) Xem xét, quyết định các đề xuất liên quan đến thiết kế của nhà thầu trong quá trình thi công xây dựng.
(8) Lưu trữ hồ sơ xây dựng công trình.
(9) Chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc của vật tư, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm xây dựng do mình cung cấp sử dụng vào công trình.
(10) Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và hành vi vi phạm khác do mình gây ra.
(11) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là bài viết trả lời cho câu hỏi: Chủ đầu tư xây dựng là ai và có bao gồm hộ gia đình, cá nhân hay không? Nếu người dân có vướng mắc trong quá trình xây dựng hãy gọi ngay đến tổng đài 1900.6192 để được tư vấn.