9 trường hợp phải chỉnh lý bản đồ địa chính

Chỉnh lý bản đồ địa chính là thủ tục do cơ quan quản lý về đất đai thực hiện nhằm giúp cho cơ sở dữ liệu đất đai được cập nhật thường xuyên. Quyết định chỉnh lý chỉ được thực hiện khi thuộc những trường hợp nhất định.


1. Các trường hợp phải chỉnh lý bản đồ địa chính

Căn cứ điểm 1.1 khoản 1 Điều 17 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, việc chỉnh lý bản đồ địa chính thực hiện trong các trường hợp sau:

(1) Xuất hiện thửa đất và các đối tượng chiếm đất mới (trừ các đối tượng là công trình, xây dựng và tài sản trên đất).

- Xuất hiện thửa đất mới do tách thửa, hợp thửa,…

- Các đối tượng chiếm đất mới như: Đường giao thông, công trình thủy lợi, đê điều, sông, suối, kênh, rạch và các yếu tố chiếm đất khác theo tuyến.

(2) Thay đổi ranh giới thửa đất và các đối tượng chiếm đất (trừ các đối tượng là công trình xây dựng và tài sản trên đất).

(3) Thay đổi diện tích thửa đất.

(4) Thay đổi mục đích sử dụng đất.

(5) Thay đổi thông tin về tình trạng pháp lý của thửa đất.

(6) Thay đổi về mốc giới và đường địa giới hành chính các cấp.

(7) Thay đổi về điểm tọa độ địa chính và điểm tọa độ quốc gia.

(8) Thay đổi về mốc giới và hành lang an toàn công trình.

(9) Thay đổi về địa danh và các ghi chú trên bản đồ.

2. Cơ sở chỉnh lý bản đồ địa chính

Chỉnh lý bản đồ địa chính sẽ dẫn tới những thay đổi trong dữ liệu đất đai, ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ người sử dụng đất nên cơ quan có thẩm quyền chỉ thực hiện chỉnh lý khi có những cơ sở theo quy định sau:

(1) Các thay đổi về ranh giới thửa đất, diện tích thửa đất, mục đích sử dụng đất được thực hiện trong các trường hợp:

- Có quyết định cho thuê đất, giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất.

- Quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp, bản án của Tòa án nhân dân các cấp về việc giải quyết tranh chấp đất đai.

- Kết quả cấp, chỉnh lý Giấy chứng nhận trong các trường hợp chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế có liên quan đến thay đổi ranh giới, mục đích sử dụng đất.

- Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

- Có thay đổi ranh giới thửa đất do sạt lở, sụt đất tự nhiên.

- Người sử dụng đất, cơ quan quản lý đất đai các cấp phát hiện có sai sót trong đo vẽ bản đồ địa chính.

(2) Mốc giới, đường địa giới hành chính trên bản đồ được chỉnh lý, bổ sung trong các trường hợp có quyết định thay đổi địa giới hành chính, lập đơn vị hành chính mới, đã lập hồ sơ địa giới, cắm mốc địa giới trên thực địa.

(3) Mốc tọa độ, mốc quy hoạch, hành lang an toàn công trình trên bản đồ được chỉnh lý, bổ sung trong các trường hợp mốc giới mới được cắm trên thực địa và có thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(4) Việc chỉnh lý, bổ sung thông tin về địa danh, địa vật định hướng và các thông tin thuộc tính khác do cơ quan quản lý đất đai các cấp tự quyết định khi phát hiện có thay đổi.

3. Chỉnh lý số thứ tự thửa đất, mảnh bản đồ địa chính

Ngoài việc chỉnh lý bản đồ địa chính như quy định trên thì tại Thông tư 09/2021/TT-BTNMT còn quy định rõ việc việc chỉnh lý số thứ tự thửa đất, số thứ tự mảnh bản đồ địa chính như sau:

(1) Trường hợp thửa đất mới phát sinh do tách thửa, hợp thửa thì hủy bỏ số thứ tự thửa đất cũ, số thửa mới được đánh số tiếp theo số thứ tự thửa đất lớn nhất trong mảnh bản đồ.

Trường hợp ghép mảnh bản đồ khi sáp nhập xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) thì số thứ tự các thửa đất trên mảnh bản đồ của xã sau khi sáp nhập mà có trụ sở UBND xã mới được giữ nguyên, số thứ tự các thửa đất trên mảnh bản đồ ghép vào được đánh lại tiếp theo số thứ tự thửa đất lớn nhất; lập “Bảng các thửa đất chỉnh lý” ở vị trí thích hợp trong hoặc ngoài khung bản đồ, trừ trường hợp chỉnh lý bản đồ địa chính trong cơ sở dữ liệu địa chính.

Nội dung “Bảng các thửa đất chỉnh lý” phải thể hiện số thứ tự, mã loại đất và diện tích thửa đất tách, hợp đã được chỉnh lý và số thứ tự thửa, mã loại đất và diện tích mới của thửa đất đó sau chỉnh lý.

(2) Trường hợp Nhà nước thu hồi một phần thửa đất mà phần thu hồi không tạo thành thửa đất mới và phần diện tích còn lại không bị chia cắt thành nhiều thửa đất thì phần diện tích còn lại không thu hồi vẫn giữ nguyên số thứ tự thửa đất cũ.

(3) Chỉnh lý số thứ tự mảnh bản đồ địa chính sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã:

- Trường hợp nhập xã:

+ Số thứ tự các mảnh bản đồ địa chính của xã sau khi sáp nhập mà có trụ sở UBND xã mới được giữ nguyên, số thứ tự các mảnh bản đồ ghép vào được đánh lại tiếp theo số thứ tự mảnh bản đồ lớn nhất.

+ Các yếu tố thông tin của bản đồ địa chính thuộc đơn vị hành chính xã cũ được ghi chú ngoài khung bản đồ; sổ mục kê và các tài liệu liên quan khác được chỉnh lý theo kết quả biên tập bản đồ.

+ Đối với các mảnh bản đồ địa chính có đường địa giới xã cũ đi qua thì thực hiện việc ghép mảnh bản đồ địa chính hoặc giữ nguyên mảnh bản đồ địa chính cũ.

- Trường hợp tách xã thành các xã riêng biệt:

+ Thực hiện đánh lại hoặc giữ nguyên số thứ tự mảnh bản đồ địa chính theo từng xã mới.

+ Chỉnh lý các thông tin bản đồ địa chính theo xã mới, các thông tin của bản đồ địa chính thuộc đơn vị hành chính xã cũ được ghi chú ngoài khung bản đồ, sổ mục kê và các tài liệu liên quan khác được chỉnh lý theo kết quả biên tập bản đồ.

- Trường hợp tách một phần xã để hợp nhất với xã khác:

+ Giữ nguyên số thứ tự các mảnh bản đồ địa chính đối với phần diện tích còn lại của xã bị tách (phần diện tích không bị sáp nhập với xã khác) và số thứ tự các mảnh bản đồ địa chính của xã nhập (xã sáp nhập một phần diện tích của xã kia vào), chỉnh lý lại số thứ tự mảnh bản đồ địa chính đối với phần diện tích bị tách ra theo số tiếp theo số thứ tự mảnh bản đồ địa chính có số thứ tự lớn nhất của xã nhập.

+ Các thông tin của bản đồ địa chính thuộc đơn vị hành chính xã cũ được ghi chú ngoài khung bản đồ; sổ mục kê và các tài liệu liên quan khác được chỉnh lý theo kết quả biên tập bản đồ.

- Trường hợp giải thể các xã chỉ còn cấp huyện (đơn vị hành chính cấp huyện không có xã như huyện đảo Lý Sơn,…):

+ Thực hiện chỉnh lý các thông tin bản đồ địa chính theo đơn vị hành chính mới.

+ Các thông tin của bản đồ địa chính thuộc đơn vị hành chính xã cũ được ghi chú ngoài khung bản đồ.

+ Sổ mục kê và các tài liệu liên quan khác được chỉnh lý theo kết quả của bản đồ địa chính sau chỉnh lý.

+ Trường hợp thực hiện đo đạc mới bản đồ địa chính, trích đo địa chính (trừ trường hợp trích đo địa chính phục vụ đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận đơn lẻ, thường xuyên hàng năm) thì UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật giao cho cấp huyện và cấp xã trên phạm vi địa bàn.

Trên đây là quy định về chỉnh lý bản đồ địa chính. Nếu có vướng mắc về đất đai - nhà ở hãy gọi ngay tổng đài 1900.6199 để được tư vấn.

>> Bản đồ địa chính là gì? Thủ tục trích lục bản đồ địa chính

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.