Chi phí tách thửa đất nông nghiệp bao gồm tất cả các khoản phí, lệ phí mà người sử dụng đất phải trả khi làm thủ tục tách thửa đất. Vậy chi phí tách thửa đất nông nghiệp mới nhất hiện nay là bao nhiêu?
1. Điều kiện tách thửa đất nông nghiệp hiện nay thế nào?
Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan cho phép người dân tách thửa đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích mua bán, tặng cho,... khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Cụ thể, căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMTđiều kiện tách thửa đất nông nghiệp như sau:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Thửa đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Đất đang trong thời hạn sử dụng;
- Thửa đất đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành.
Trong đó, khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định:
“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.
Ví dụ:
Tại tỉnh Bình Định, căn cứ Điều 3 Quyết định 40/2014/QĐ-UBND, diện tích tách thửa tối thiểu với đất nông nghiệp như sau:
- Diện tích tối thiểu của một thửa đất nông nghiệp sau khi tách thửa là 300 m2.
- Diện tích đất nông nghiệp và đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nằm trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch, tách thửa để chuyển mục đích sử dụng sang đất ở tối thiểu là 40 m2.
2. Chi phí tách thửa đất nông nghiệp thế nào?
- Trường hợp chỉ thực hiện tách thửa đất nông nghiệp: Người dân trả phí đo đạc và lệ phí làm Giấy chứng nhận quyền sủ dụng đất
- Trường hợp tách thửa đất kết hợp đồng thời với thủ tục tặng cho, chuyển nhượng,...: Người dân nộp thêm các khoản phí, lệ phí khác như: Lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ.
Cụ thể các khoản chi phí này như sau:
- Phí đo đạc tách thửa
Thường dao động từ 1,8 - 2,5 triệu đồng.
- Lệ phí trước bạ
Căn cứ Nghị định 10/2022/NĐ-CP và điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư 13/2022/TT-BTC:
- Trường giá đất tại hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho cao hơn giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành quy định:
Lệ phí trước bạ = 0,5% x (Giá tại hợp đồng x m2)
- Trường hợp giá đất tại hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng thấp hơn hoặc bằng giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành quy định:
Lệ phí trước bạ = 0,5% x (Giá 01m2 x Giá đất trong bảng giá đất)
- Phí thẩm định hồ sơ
Phí thẩm định hồ sơ do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành quy định nên mức thu khác nhau.
Xem chi tiết: Phí thẩm định hồ sơ cấp Sổ đỏ, sang tên của các tỉnh, thành
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận
Do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành quy định (thường dưới 100.000 đồng).
3. Quy trình tách thửa đất nông nghiệp thực hiện ra sao?
Bước 01: Chuẩn bị hồ sơ
Gồm:
- Đơn đề nghị tách thửa;
- Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bước 02: Nộp hồ sơ
Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.
Cách 2:
- Trường hợp địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả: Nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa cấp huyện.
- Trường hợp địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa: Nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có thửa đất hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nếu chưa tổ chức Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Bộ phận tiếp nhận ghi và đưa người nộp hồ sơ giấy tiếp nhận và trả kết quả.
Bước 4: Trả kết quả
Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết phải trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
Thời gian giải quyết:
- Không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;
- Không quá 25 ngày làm việc đối với xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Trên đây là giải đáp về chi phí tách thửa đất nông nghiệp mới nhất. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp cụ thể.