Chỉ có giấy phép xây dựng có sang tên được không?
Khoản 1 Điều 118 Luật Nhà ở 2014 quy định giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau:
(1) Có Giấy chứng nhận (Sổ hồng, Sổ đỏ), trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 118 Luật Nhà ở 2014.
(2) Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn.
(3) Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(4) Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Lưu ý: Điều kiện (2) và (3) không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều này còn quy định giao dịch về nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Sổ đỏ, Sổ hồng:
- Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
- Tổ chức thực hiện tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
- Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở xã hội cho cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội theo quy định khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở 2014.
- Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.
- Nhận thừa kế nhà ở.
- Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Như vậy, nhà ở có giấy phép xây dựng nghĩa là nhà ở đã được xây dựng thì không đủ điều kiện để sang tên (mua bán, tặng cho), trừ trường hợp nhận thừa kế.
Mua nhà ở chỉ có giấy phép xây dựng nên lập vi bằng
Như đã khẳng định ở trên, nhà ở chỉ có giấy phép xây dựng sẽ không được phép sang tên, trừ trường hợp nhận thừa kế. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều trường hợp vẫn chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có sổ) và kèm theo nhà không có sổ.
Để hạn chế tối đa khả năng xảy ra tranh chấp các bên nên lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi mua bán nhà ở có thật trên thực tế.
* Trình tự, thủ tục lập vi bằng
Bước 1: Yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng
Bước 2: Thỏa thuận về việc lập vi bằng
Điều 38 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định người yêu cầu lập vi bằng phải thỏa thuận bằng văn bản với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu sau đây:
- Nội dung vi bằng cần lập;
- Địa điểm, thời gian lập vi bằng;
- Chi phí lập vi bằng;
- Các thỏa thuận khác (nếu có).
Thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
Bước 3: Tiến hành lập vi bằng
- Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.
Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.
Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.
- Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng.
- Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
* Đăng ký bổ sung nhà ở vào Sổ đỏ và tiến hành thủ tục sang tên
Ngoài việc lập vi bằng để bảo đảm an toàn pháp lý nhất khi nhà ở chỉ có giấy phép xây dựng thì người mua nên đề nghị người bán đăng ký bổ sung nhà ở vào Sổ đỏ, Sổ hồng hoặc ủy quyền cho mình thực hiện thủ tục này trước khi tiến hành mua bán.
Thủ tục này được thực hiện theo 02 giai đoạn với các bước khác nhau, cụ thể:
(1) Đăng ký quyền sở hữu nhà ở
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Bước 2: Nộp hồ sơ
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý
Bước 4: Trả kết quả.
Xem chi tiết tại: Hồ sơ, thủ tục chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
(2) Mua bán nhà ở
Bước 1: Đặt cọc (nếu có)
Bước 2: Công chứng hoặc chứng thực hợp đồng
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký sang tên
Bước 4: Nộp và tiếp nhận hồ sơ
Bước 5: Xử lý và trả kết quả.
Trên đây là bài viết trả lời cho vướng mắc: Nhà chỉ có giấy phép xây dựng có sang tên được không? Theo đó, nhà ở có giấy phép xây dựng nghĩa là nhà ở đã được xây dựng thì không đủ điều kiện để sang tên khi mua bán, tặng cho, trừ trường hợp nhận thừa kế.
Nếu có vướng mắc bạn đọc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được tư vấn và giải đáp.
>> Pháp luật cấm lập vi bằng mua bán nhà đất không có Sổ đỏ?