Cấp Sổ đỏ, Sổ hồng mất nhiều tháng có đúng luật?

Việc cấp Sổ đỏ, Sổ hồng mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm không phải là chuyện hiếm. Sự chậm trễ này có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do cơ quan nhà nước. Vậy, thời gian cấp Sổ đỏ là bao lâu và cấp Sổ đỏ mất nhiều tháng có đúng luật hay không?


Cấp Sổ đỏ mất nhiều tháng có đúng luật?

Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu như sau:

“Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 30 ngày.”.

Đồng thời khoản này còn quy định:

“Thời gian quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.”.

Như vậy, thời gian giải quyết thủ tục cấp Sổ đỏ, Sổ hồng lần đầu không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian giải quyết trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Sổ đỏ, Sổ hồng tại xã, phường, thị trấn, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất (thời gian nộp tiền); không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Tóm lại, nếu đất không có vi phạm pháp luật, không cần trưng cầu giám định mà thời gian cấp Sổ đỏ, Sổ hồng mất nhiều tháng, nhiều năm là trái quy định của pháp luật (người dân nên đối chiếu với thời gian trả kết quả được ghi trong phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả).

Cách xử lý khi bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng

(1) Hỏi, đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả lời về kết quả giải quyết

Khi đến hạn trả kết quả nhưng không nhận được kết quả giải quyết thì người thực hiện thủ tục có quyền hỏi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về tiến độ, kết quả cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.

Đồng thời được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 8 Điều 19 Nghị định 61/2018/NĐ-CP như sau:

“8. Các hồ sơ quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này sau khi thẩm định không đủ điều kiện giải quyết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không giải quyết hồ sơ theo mẫu Phiếu từ chối giải quyết hồ sơ để gửi cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận một cửa. Thông báo được nhập vào mục trả kết quả của Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Thời hạn thông báo phải trong thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định.”.

Đối với hộ gia đình, cá nhân nên đề nghị Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) nơi có đất trả lời bằng văn bản.

Việc trả lời bằng văn bản rất quan trọng, vì đây là căn cứ để khiếu nại, khởi kiện nếu có căn cứ cho rằng cơ quan cấp Sổ đỏ, Sổ hồng làm sai.

(2) Khiếu nại về việc chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng

Thủ tục cấp Sổ đỏ, Sổ hồng là thủ tục hành chính về đất đai, do đó khi quá thời hạn giải quyết thì người có yêu cầu cấp quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

- Người khiếu nại: Là người bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng, có thể trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền khiếu nại thay.

- Người bị khiếu nại: Là cơ quan có thẩm quyền cấp Sổ đỏ, Sổ hồng hoặc người trong cơ quan đó có hành vi chậm giải quyết thủ tục so với quy định.

- Hình thức khiếu nại chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng:

+ Khiếu nại bằng đơn: Đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

+ Khiếu nại trực tiếp: Người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như khiếu nại bằng đơn.

Xem thêm: Hồ sơ, thủ tục khiếu nại về đất đai

(3) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân

- Người khởi kiện: Là người bị chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.

- Người bị kiện: Là cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có hành vi chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.

- Đối tượng khởi kiện: Là quyết định hành chính, hành vi hành chính. Nói cách khác, đối tượng khởi kiện là quyết định, hành vi chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.

- Thẩm quyền giải quyết: Nếu hành vi chậm cấp Sổ đỏ, Sổ hồng do Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất (theo khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015). Nói cách khác, người dân khởi kiện tại Tòa án nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Thủ tục khởi kiện:

Thủ tục khởi kiện được thực hiện theo trình tự, thủ tục tố tụng hành chính (bản chất là dân kiện quan) như sau:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Bước 2: Tiếp nhận, thụ lý

Bước 3: Chuẩn bị xét xử

Bước 4: Xét xử.

Trên đây là bài viết trả lời cho câu hỏi: Cấp Sổ đỏ mất nhiều tháng có đúng luật? Đây là vấn đề phức tạp trên thực tế, nếu có vướng mắc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được tư vấn.

>> Điều kiện, hồ sơ, thủ tục và tiền phải nộp khi làm Sổ đỏ

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.