Hồ sơ, thủ tục cấp lại trang bổ sung Sổ đỏ

Trang bổ sung Sổ đỏ là tờ để ghi một số thông tin biến động như đăng ký thế chấp, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất. Nếu bị mất phải chuẩn bị hồ sơ và nộp để cấp lại Trang bổ sung Sổ đỏ theo đúng quy định.


Quy định về Trang bổ sung Sổ đỏ

Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm.

Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm dòng chữ "Trang bổ sung Giấy chứng nhận"; số hiệu thửa đất; số phát hành Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận" như trang 4 của Giấy chứng nhận.

Căn cứ khoản 2 Điều 20 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, Trang bổ sung Giấy chứng nhận được sử dụng để xác nhận thay đổi trong các trường hợp sau:

- Đăng ký thế chấp, thay đổi nội dung đã đăng ký hoặc xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

- Cho thuê, cho thuê lại đất hoặc xóa cho thuê, cho thuê lại đất của doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;

- Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ chung cư đối với trường hợp doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê đã được cấp Giấy chứng nhận chung cho các căn hộ chung cư khi chưa bán;

- Thể hiện sơ đồ tài sản gắn liền với đất theo quy định.

Khi sử dụng Trang bổ sung Giấy chứng nhận phải ghi số thứ tự Trang bổ sung và đóng dấu giáp lai với trang 4 của Giấy chứng nhận (dấu của cơ quan có thẩm quyền xác nhận); ghi chú: "Kèm theo Giấy chứng nhận này có Trang bổ sung số: 01,..." vào cuối trang 4 của Giấy chứng nhận; ghi vào cột ghi chú của Sổ cấp Giấy chứng nhận số Trang bổ sung đã cấp.

cấp lại trang bổ sung Sổ đỏHướng dẫn cấp lại Trang bổ sung Sổ đỏ (Ảnh minh họa)

Hồ sơ, thủ tục cấp lại Trang bổ sung Sổ đỏ

Theo khoản 1 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 16 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở nếu bị mất Trang bổ sung Giấy chứng nhận thì yêu cầu cấp lại như thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất.

* Khai báo với UBND xã, phường, thị trấn

Khi mất Trang bổ sung Giấy chứng nhận phải khai báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất trước khi chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp lại như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân bị mất Trang bổ sung Giấy chứng nhận phải khai báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất về việc bị mất Trang bổ sung Giấy chứng nhận, trừ trường hợp mất do thiên tai, hỏa hoạn.

Sau khi tiếp nhận khai báo của hộ gia đình, cá nhân thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Trang bổ sung Giấy chứng nhận tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn.

Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo, hộ gia đình, cá nhân bị mất Trang bổ sung Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại.

* Hồ sơ đề nghị cấp lại

Căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Trang bổ sung Giấy chứng nhận do bị mất gồm có:

- Đơn đề nghị cấp lại Mẫu số 10/ĐK.

- Giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc đã niêm yết thông báo mất Trang bổ sung Giấy chứng nhận.

- Nếu bị mất do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

* Thủ tục cấp lại Trang bổ sung

Bước 1: Nộp hồ sơ

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có nhà đất nếu có nhu cầu

Cách 2: Không nộp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có nhà đất

- Nếu địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).

- Trường hợp địa phương chưa tổ chức bộ phận một cửa thì hộ gia đình, cá nhân nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với địa phương chưa có Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Bước 4: Trả kết quả

* Thời gian cấp lại: Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định, thời gian đo đạc địa chính thửa đất.

Kết luận: Thủ tục cấp lại Trang bổ sung của Sổ đỏ khá đơn giản, chỉ cần thông báo với UBND xã, phường, thị trấn về việc bị mất, sau đó chuẩn bị hồ sơ và nộp theo hướng dẫn trên.

Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Xem thêm các chính sách mới về đất đai tại đây

>> 6 trường hợp từ chối cấp Sổ đỏ và cách xử lý người dân cần biết

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

6 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, áp dụng từ 01/7/2025

Vừa qua, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã chính thức thông qua, thay thế cho Luật Quy hoạch đô thị 2009 và sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan. và bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2025. Cùng LuatVietnam cập nhật 06 điểm mới tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 ngay trong bài viết dưới đây.

6 trường hợp từ chối cấp Sổ đỏ và cách xử lý người dân cần biết

6 trường hợp từ chối cấp Sổ đỏ và cách xử lý người dân cần biết

6 trường hợp từ chối cấp Sổ đỏ và cách xử lý người dân cần biết

Việc từ chối nhận hồ sơ và từ chối cấp Sổ đỏ khá phổ biến. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình người dân cần biết việc từ chối đó có đúng quy định hay không và phải biết cách xử lý khi nhận được văn bản từ chối.