Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai khi không có Sổ đỏ

Tranh chấp đất đai mà không có Giấy chứng nhận (gọi tắt là Sổ đỏ) hoặc không có giấy tờ xảy ra phổ biến. Vậy, tranh chấp đất đai khi không có Sổ đỏ được giải quyết thế nào?


Cách giải quyết tranh chấp đất đai khi không có Sổ đỏ

Theo khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai mà đương sự không có Sổ đỏ hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn 01 trong 02 hình thức giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

1. Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền cụ thể:

- Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết đối với trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết đối với trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Khởi kiện tại Tòa án nhân dân nơi có đất xảy ra tranh chấp theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự

Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai khi không có Sổ đỏ (Ảnh minh họa)

Căn cứ giải quyết tranh chấp khi không có Sổ đỏ

Theo khoản 1 Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai, tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có Sổ đỏ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:

1. Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra.

- Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì các bên tranh chấp có nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án. Chứng cứ là những gì có thật và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án tranh chấp đất đai.

- Căn cứ vào chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất như ý kiến làm chứng của những hộ gia đình hoặc cá nhân biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng thì Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định giải quyết hoặc Tòa án sẽ ra bản án để xác định người có quyền sử dụng đất.

2. Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;

3. Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

4. Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước;

5. Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Kết luận:

- Việc giải quyết tranh chấp đất đai khi không có Sổ đỏ hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì chủ yếu phụ thuộc vào chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng do các bên tranh chấp đưa ra.

- Do không có Sổ đỏ hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nên bên nào muốn thắng kiện thì bên đó phải cung cấp được chứng cứ nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của mình.

>> Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai: Hướng dẫn chi tiết nhất

Khắc Niệm

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.