Hợp đồng mua bán nhà đất phải công chứng
Theo điểm a khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, trừ:
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo đó, hợp đồng mua bán nhà đất là hợp đồng yêu cầu phải tuân thủ về hình thức (Khi mua bán nhà đất thì phải công chứng hợp đồng mua bán). Nếu hợp đồng mua bán nhà đất mà không công chứng thì là hợp đồng vô hiệu (không có hiệu lực).
Mặt khác, khi sang tên Sổ đỏ mà không có hợp đồng công chứng thì không thể làm thủ tục sang tên được.
Cách hợp pháp hóa hợp đồng mua bán nhà đất không công chứng (Ảnh minh họa)
Hợp đồng không công chứng có thể có hiệu lực
Hiện nay, việc mua bán nhà đất mà các bên không công chứng hợp đồng còn khá phổ biến. Khi thực hiện thủ tục sang tên Sổ đỏ thì không thực hiện được. Trong trường hợp này cần phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng tại tổ chức công chứng để hoàn thiện hồ sơ sang tên Sổ đỏ.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bên bán đã chuyển đi nơi khác và không thể liên hệ được để đi công chứng thì có thể hợp pháp hóa hợp đồng mua bán nhà đất theo hướng sau:
Khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực".
Như vậy, hợp đồng mua bán nhà đất mà các bên chưa công chứng thì vẫn có hiệu lực nếu một trong các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong hợp đồng.
- Để hợp đồng mua bán nhà đất không có công chứng thì bên mua hoặc bên bán hoặc cả hai bên yêu cầu thì Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng và các bên không phải thực hiện việc công chứng.
Lưu ý: Khi nộp đơn yêu cầu Tòa án công nhận thì người yêu cầu phải có giấy tờ, chứng minh việc thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong hợp đồng (có thể là giấy giao nhận tiền, biên lai, thông tin chuyển khoản qua ngân hàng…).
Trên thực tế, nếu có đầy đủ hai bên thì nên thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng tại tổ chức công chứng vì nhanh và hồ sơ dễ thực hiện hơn việc yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng.
Trên đây là cách hợp pháp hóa hợp đồng mua bán nhà đất không công chứng. Để biết những quy định về mua bán nhà đất, bạn đọc vui lòng xem tại chuyên mục Chuyển nhượng của LuatVietnam.
Khắc Niệm