Bồi thường về cây trồng
Theo khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai năm 2013 khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường được tính như sau:
Trường hợp 1: Bồi thường với cây trồng hằng năm
- Mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch.
- Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất.
Trường hợp 2: Bồi thường với cây trồng lâu năm
- Mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất.
- Ngoài tiền bồi thường về đất (nếu đủ điều kiện) thì còn được bồi thường về cây trồng lâu năm bị thiệt hại. Mỗi địa phương giá của vườn cây lâu năm tại mỗi thời điểm là khác nhau.
Trường hợp 3: Bồi thường với cây trồng có thể di chuyển đến nơi khác
- Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại.
- Thông thường việc bồi thường với cây trồng có thể di chuyển đến nơi khác áp dụng với các loại cây trồng lâu năm.
Trường hợp 4: Bồi thường về rừng
Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây.
Xem thêm: Toàn bộ các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất
Bồi thường về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất (Ảnh minh họa)
Bồi thường với vật nuôi
Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản thì việc bồi thường được tính như sau:
- Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không được bồi thường (vì không có thiệt hại).
- Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì:
+ Nếu thu hoạch sớm thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm;
+ Nếu có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra.
Lưu ý: Mỗi tỉnh thành sẽ có mức bồi thường cụ thể với vật nuôi.
Ví dụ:
+ TP. Hồ Chí Minh mức bồi thường tính theo khoản 2 Điều 22 Quyết định 28/2018/QĐ-UBND: Mức bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra tối đa không vượt quá 30% tổng giá trị bồi thường đối với vật nuôi.
+ TP. Hà Nội mức bồi thường đối với cây trồng hoặc vật nuôi có thể di chuyển đến cơ sở mới, UBND cấp huyện căn cứ thực tế để quyết định mức hỗ trợ thiệt hại và chi phí di chuyển, nhưng mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 30% mức bồi thường (theo Điều 18 Quy định về bồi thường kèm Quyết định 10/2017/QĐ-UBND).
Như vậy, khi Nhà nước thu hồi đất thì không phải tất cả các vật nuôi đều được bồi thường mà chỉ bồi thường với vật nuôi là thủy sản như cá, tôm…vì do đặc tính sinh học của những vật nuôi thủy sản không thể di chuyển (vì không có ao, hồ mới) hoặc di chuyển sẽ bị chết.
Trên đây là mức bồi thường về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất. Để biết thêm các quy định về điều kiện bồi thường, mức bồi thường hãy xem tại đây.
Khắc Niệm