Mới: Phương án bồi thường tái định cư khi chung cư hết hạn sử dụng

Tùy từng trường hợp mà phương án bồi thường tái định cư khi chung cư hết hạn sử dụng là khác nhau và quy định này cũng có sự thay đổi từ ngày 01/9/2021 theo Nghị định 69/2021/NĐ-CP.


Bồi thường, tái định cư với nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước

* Cư dân có nhu cầu tái định cư tại chỗ

Căn cứ khoản 1 Điều 21 Nghị định 69/2021/NĐ-CP, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng trong trường hợp chủ sở hữu căn hộ chung cư có nhu cầu tái định cư tại chỗ được thực hiện theo quy định sau:

- Căn cứ vào điều kiện cụ thể của dự án tại từng khu vực, UBND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) quyết định hệ số k bồi thường từ 01 đến 02 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong Giấy chứng nhận được cấp qua các thời kỳ hoặc diện tích đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận, làm cơ sở để chủ đầu tư lập phương án bồi thường. Trường hợp có diện tích ngoài diện tích được công nhận trong Giấy chứng nhận hoặc ngoài diện tích đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận thì thực hiện giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai. Diện tích căn hộ tái định cư sau khi tính theo hệ số k được quy đổi thành tiền và được nêu rõ trong phương án bồi thường, làm cơ sở để xác định giá trị hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở tái định cư và nghĩa vụ thanh toán tiền chênh lệch của các bên (nếu có).

Đối với các chủ sở hữu tầng 01 mà có dành diện tích nhà để kinh doanh trước ngày 01/9/2021 và dự án có bố trí một phần diện tích để kinh doanh dịch vụ, thương mại theo quy hoạch được phê duyệt thì ngoài việc được bồi thường theo quy định tại điểm này, nếu các chủ sở hữu có nhu cầu còn được mua hoặc thuê một phần diện tích sàn kinh doanh thương mại, dịch vụ để kinh doanh; giá bán phần diện tích này được tính theo chi phí đầu tư xây dựng phân bổ trên 01 m2 sàn kinh doanh thương mại, dịch vụ cộng với 10% lợi nhuận định mức theo quy định; giá thuê diện tích kinh doanh, dịch vụ do các bên thỏa thuận.

- Trường hợp giá trị căn hộ tái định cư lớn hơn giá trị căn hộ cũ sau khi quy đổi theo hệ số k quy định trên thì các bên ký hợp đồng mua bán hoặc thuê mua nhà ở tái định cư và phải nộp thêm phần giá trị chênh lệch này, nếu chủ sở hữu không mua, thuê mua thì không được bố trí tái định cư và được thanh toán bằng tiền đối với toàn bộ giá trị được bồi thường theo quy định. Nếu giá trị căn hộ tái định cư nhỏ hơn giá trị căn hộ cũ sau khi quy đổi theo hệ số k quy định trên thì chủ đầu tư phải thanh toán cho chủ sở hữu phần giá trị chênh lệch này.

- Đối với phần diện tích nhà sử dụng chung thì áp dụng hệ số k = 1; trường hợp diện tích nhà sử dụng chung thuộc sở hữu nhà nước thì chủ đầu tư phải thanh toán bằng tiền cho Nhà nước theo nguyên tắc diện tích sử dụng nhà hiện có nhân (x) giá chuẩn nhà ở xây dựng mới do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm lập phương án bồi thường nhân (x) tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà hiện có. Nếu diện tích đất sử dụng chung mà Nhà nước chưa thực hiện chuyển quyền sử dụng khi bán nhà ở theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư phải thanh toán bằng tiền cho Nhà nước theo giá bằng 100% giá đất ở theo bảng giá do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm lập phương án bồi thường nhân (x) diện tích đất sử dụng chung nhân (x) hệ số k điều chỉnh (nếu có).

* Cư dân không có nhu cầu tái định cư tại chỗ

Nếu chủ sở hữu căn hộ chung cư không có nhu cầu tái định cư tại chỗ mà chủ đầu tư có diện tích nhà, đất tại địa điểm khác để bố trí tái định cư và chủ sở hữu có nhu cầu thì được bố trí tái định cư theo cơ chế như đối với tái định cư tại chỗ.

* Cư dân không có nhu cầu tái định cư

Nếu chủ sở hữu căn hộ chung cư không có nhu cầu tái định cư (không có nhu cầu tái định cư tại chỗ và tái định cư tại nơi khác) thì được bồi thường bằng tiền theo giá trị căn hộ sau khi quy đổi theo hệ số k quy định như trường hợp có nhu cầu tái định cư tại chỗ; trường hợp chủ sở hữu có nhu cầu thì thực hiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Phương án bồi thường tái định cư khi chung cư hết hạn sử dụng (Ảnh minh họa)

Bồi thường, tái định cư với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

Căn cứ khoản 1 Điều 22 Nghị định 69/2021/NĐ-CP, nếu nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện phải phá dỡ thì người đang thuê được bố trí tái định cư theo quy định sau:

- Nếu phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư thì người đang thuê được bố trí thuê căn hộ có diện tích theo thiết kế được duyệt nhưng không thấp hơn diện tích sử dụng căn hộ cũ, trừ trường hợp không có nhu cầu thuê nhà ở; giá thuê nhà ở được áp dụng như đối với giá thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước; nếu Nhà nước bán căn hộ này thì người đang thuê được mua theo quy định về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

- Trường hợp theo quy hoạch được duyệt không xây dựng lại nhà chung cư tại địa điểm cũ thì người đang thuê được bố trí thuê căn hộ tại địa điểm khác theo quy định và cơ chế như đối với trường hợp phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư; nếu người đang thuê có nhu cầu thì được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật về nhà ở.

* Lưu ý về quy định chuyển tiếp

- Nếu chủ đầu tư đã thực hiện bồi thường theo phương án bồi thường đã được phê duyệt trước ngày 01/9/2021 thì không phải thực hiện bồi thường lại theo Nghị định 69/2021/NĐ-CP, trừ trường hợp có diện tích nhà, đất chưa đưa vào phương án bồi thường thì thực hiện bồi thường phần diện tích này theo quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP.

- Trường hợp trước ngày 01/9/2021 đã có phương án bồi thường được duyệt nhưng chưa thực hiện bồi thường thì các bên thống nhất lại phương án bồi thường theo Nghị định 69/2021/NĐ-CP, trừ trường hợp các bên vẫn thống nhất thực hiện theo phương án bồi thường đã được phê duyệt. Nếu các bên thỏa thuận lại phương án bồi thường nhưng theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt, chủ đầu tư không cân đổi được hiệu quả tài chính của dự án thì chủ đầu tư có thể đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt để cân đối được hiệu quả tài chính của dự án.

Quá thời hạn 12 tháng đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quá 24 tháng đối với dự án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư, kể từ ngày 01/9/2021, không tính thời gian điều chỉnh quy hoạch quy định tại khoản này (nếu có) mà chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư không thỏa thuận được phương án bồi thường theo tỷ lệ lấy ý kiến của các chủ sở hữu khi lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại khoản 6 Điều 14 Nghị định 69/2021/NĐ-CP thì UBND cấp tỉnh phải chấm dứt thực hiện dự án và tổ chức lựa chọn lại chủ đầu tư theo Nghị định 69/2021/NĐ-CP.

Trên đây là quy định về phương án bồi thường tái định cư khi chung cư hết hạn sử dụng từ ngày 01/9/2021. Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Mua nhà tập thể cũ để được bồi thường tái định cư: Nên hay không?

>> Bồi thường tái định cư: 10 điều người dân cần nắm rõ

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.