Bồi thường khi thu hồi đất 2023: Không bị thiệt nếu biết 10 điều này

Để được bồi thường khi thu hồi đất phải đáp ứng đủ điều. Việc vi phạm kiểm đếm bắt buộc, phương án bồi thường bằng tiền hoặc bằng đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người bị thu hồi nên người dân cần nắm rõ quy định.


1. Khi nào Nhà nước thu hồi đất?

Khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau:

- Thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

- Thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai.

- Thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Xem chi tiết tại: Tổng hợp tất cả trường hợp bị thu hồi đất

2. Điều kiện được bồi thường về đất

* Để được bồi thường về đất phải có Sổ đỏ hoặc đủ điều kiện cấp Sổ đỏ

Khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện được bồi thường về đất khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với hộ gia đình, cá nhân như sau:

“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này;…”.

Như vậy, để được bồi thường về đất thì hộ gia đình, cá nhân cần đáp ứng đủ điều kiện sau:

- Đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm.

- Có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận (điều kiện cấp Giấy chứng nhận khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất gồm 02 trường hợp: Có giấy tờ và không có giấy tờ về quyền sử dụng đất).

Xem thêm: Điều kiện bồi thường đối với tổ chức, doanh nghiệp

* Trường hợp duy nhất không đủ điều kiện cấp Sổ đỏ vẫn được bồi thường

Khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai 2013 quy định:

“2. Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này”.

Theo đó, mặc dù không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận nhưng vẫn được bồi thường về đất nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:

- Là đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/7/2004.

- Người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Lưu ý: Được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.

Quy định về bồi thường khi thu hồi đất (Ảnh minh họa)

3. 22 trường hợp không được bồi thường về đất

Điều 82 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường về đất như sau:

“1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này;

2. Đất được Nhà nước giao để quản lý;

3. Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này;

4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này”.

Như vậy, những trường hợp sau đây sẽ không được bồi thường về đất khi thu hồi:

- Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.

- Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

- Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

Xem chi tiết: Danh sách trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường về đất

4. Điều kiện được bồi thường về nhà ở, cây trồng

Khoản 1 Điều 88 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

“1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường”.

Như vậy, để được bồi thường về nhà ở, cây trồng, vật nuôi thì phải đáp ứng 02 điều kiện sau:

- Phải là chủ sở hữu tài sản hợp pháp (Ví dụ: Đối với nhà ở thì có Giấy chứng nhận hoặc có các giấy tờ khác chứng minh như giấy phép xây dựng, hợp đồng mua bán,…).

- Tài sản gắn liền với đất bị thiệt hại: Ví dụ: Nhà nước thu hồi đất mà phải phá dỡ nhà ở; cá, tôm hoặc các loại thủy sản khác chưa đến thời điểm thu hoạch mà không thể di chuyển đi nơi khác.

5. Giá đền bù về đất không theo giá thị trường

Căn cứ điểm đ khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai 2013, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được tính theo giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. So với giá thị trường thì giá đất cụ thể thấp hơn nhiều.

Vì tiền bồi thường được tính theo giá đất cụ thể nên người dân không được phép thỏa thuận.

Lưu ý:

- Người dân được quyền thỏa thuận với chủ đầu tư về giá chuyển nhượng, tiền thuê đất nếu chủ đầu tư thực hiện dự án bằng cách nhận quyền sử dụng đất thông qua hình thức chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất của người dân.

- LuatVietnam chỉ nêu ra cách tính tiền bồi thường là theo giá đất cụ thể, không nêu số tiền cụ thể vì mỗi thửa đất sẽ có giá bồi thường khác nhau.

6. Cách tính tiền bồi thường về nhà ở, cây trồng của 63 tỉnh, thành

6.1. Bồi thường thiệt hại về nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt

Lưu ý: Mức bồi thường dưới đây áp dụng đối nhà ở của hộ gia đình, cá nhân

Khoản 1 Điều 89 Luật Đất đai 2013 quy định:

“1. Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế”.

Như vậy, phương án bồi thường như sau:

* Bồi thường bằng giá trị xây mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:

- Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt khác gắn liền với đất phải tháo dỡ toàn bộ.

- Tháo dỡ một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

* Bồi thường theo thiệt hại thực tế (thiệt hại bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu) khi: Tháo dỡ một phần mà phần còn lại phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

6.2. Bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi

Mỗi tỉnh, thành có đơn giá bồi thường khi thu hồi đất khác nhau nên bạn đọc cần xem kỹ trong từng văn bản của từng địa phương.

7. Khi nào bồi thường bằng tiền, khi nào bồi thường bằng đất?

Lưu ý: Quy định dưới đây áp dụng khi thu hồi đất ở

Căn cứ khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường thì được bồi thường như sau:

Trường hợp

Phương án bồi thường

Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi

Bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở

Không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì bồi thường bằng tiền

Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi

Địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở

Nếu không có đất ở thì bồi thường bằng tiền

Lưu ý: Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.

8. Bồi thường khi không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Không có giấy tờ về quyền sử dụng đất trong trường hợp này là trường hợp không có một trong những loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Để được bồi thường về đất thì người sử dụng đất phải được cấp hoặc đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận gồm 02 trường hợp: Có giấy tờ và không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Riêng đối với trường hợp đất không có giấy tờ thì xác định điều kiện thường sẽ khó hơn.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 47/2014/NĐ-CP đã quy định rõ đối với đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì vẫn được bồi thường về đất khi đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo các điều cụ thể của Nghị định 43/2014/NĐ-CP:

“Khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 101 và Điều 102 của Luật Đất đai, các Điều 20, 22, 23, 25, 27 và 28 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì được bồi thường về đất”.

Lưu ý: Nếu người có đất thu hồi được bồi thường bằng tiền thì số tiền bồi thường phải trừ khoản tiền nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Xem chi tiết: Đất không có giấy tờ vẫn được bồi thường khi bị thu hồi

9. Thủ tục giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất

Theo Điều 69 Luật Đất đai 2013, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được thực hiện theo 04 bước sau:

Bước 1: Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Bước 2: Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bước 3: Quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường.

Bước 4: Quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng.

Nếu không tuân thủ theo đúng thủ tục trên thì người bị thu hồi đất có quyền khiếu nại, khởi kiện.

Xem chi tiết tại: Thủ tục giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất

10. 5 khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

Căn cứ khoản 83 Luật Đất đai 2013, ngoài việc được bồi thường về đất, nhà ở thì người bị thu hồi còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ:

- Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất.

- Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở.

- Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.

- Hỗ trợ khác.

Xem thêm: Mức hưởng 5 khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

Kết luận: Quy định về bồi thường khi thu hồi đất khá phức tạp, nhất là cách tính số tiền bồi thường và điều kiện được bồi thường khi chưa được cấp Giấy chứng nhận.

Nếu có vướng mắc về bồi thường khi thu hồi đất, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> 10 trường hợp thu hồi đất nhưng không bồi thường tài sản

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(26 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục