Bỏ cấp huyện, những thủ tục nào về đất đai sẽ thay đổi?

Việc bỏ cấp huyện không làm thay đổi các thủ tục về đất đai mà chỉ thay đổi về thẩm quyền hoặc thời gian thực hiện. 

1. Bỏ cấp huyện không làm thay đổi về thủ tục, chỉ thay đổi về thẩm quyền

Bỏ cấp huyện không làm thay đổi về thủ tục, chỉ thay đổi về thẩm quyền (Ảnh minh họa)

Theo Quyết định 629/QĐ-BNNMT 2025, các thủ tục hành chính về đất đai cấp huyện được thực hiện bởi các cơ quan sau:

- UBND cấp huyện

- UBND cấp xã

- Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện

- Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai

- Cơ quan thuế, cơ quan có chức năng quản lý về xây dựng cấp huyện (nếu có)

Có thể thấy, tùy thuộc vào từng thủ tục mà người dân có thể thực hiện tại các cơ quan thay thế như Văn phòng, chi nhánh đăng ký đất đai, UBND xã hoặc các cơ quan khác. Các cơ quan thay thế giúp đảm bảo tính liên tục trong công tác quản lý và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đồng thời giảm thiểu sự gián đoạn trong quá trình giải quyết các yêu cầu của người dân.

Theo đó, việc bỏ cấp huyện hoặc các cơ quan cấp huyện thì những thủ tục trên sẽ chỉ thay đổi về thẩm quyền giải quyết chứ không thay đổi nhiều về thủ tục hay thời gian giải quyết.

Hiện nay có 21 thủ tục về đất đai sau thuộc thẩm quyền của cấp huyện, bao gồm:

- Giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với trường hợp thuộc diện hoặc không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư mà người xin giao đất, thuê đất là cá nhân.

- Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư mà người xin chuyển mục đích sử dụng đất là cá nhân.

- Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư mà người xin chuyển mục đích sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân.

- Chuyển hình thức giao đất, cho thuê đất mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân.

- Điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân.

- Điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất do sai sót về ranh giới, vị trí, diện tích, mục đích sử dụng giữa bản đồ quy hoạch, bản đồ địa chính, quyết định giao đất, v.v… mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân.

- Giao đất, cho thuê đất từ quỹ đất do tổ chức, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất; do công ty nông, lâm trường quản lý, sử dụng mà người xin giao đất, cho thuê đất là cá nhân.

- Giao đất ở có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, quân đội, công an, v.v… mà chưa được giao đất ở, nhà ở; giáo viên, nhân viên y tế đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn nhưng chưa có đất ở, nhà ở tại nơi công tác hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, v.v…

- Giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển mà người xin giao đất, thuê đất là cá nhân

- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với cá nhân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình đang sử dụng đất.

- Xác định lại diện tích đất ở của hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận trước 01/7/2004.

- Cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất.

- Đính chính Giấy chứng nhận đã cấp lần đầu có sai sót.

- Thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phát hiện và cấp lại Giấy chứng nhận sau khi thu hồi.

- Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước hoặc cộng đồng dân cư hoặc mở rộng đường giao thông.

- Gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng đất mà người xin gia hạn sử dụng đất là cá nhân, cộng đồng dân cư.

- Xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân khi hết hạn sử dụng đất.

- Điều chỉnh thời hạn sử dụng đất của dự án đầu tư mà người sử dụng đất là cá nhân, cộng đồng dân cư.

- Sử dụng đất kết hợp đa mục đích mà người sử dụng là cá nhân.

- Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

2. Thay đổi nơi nộp hồ sơ sang tên do nhiều chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được sáp nhập

Khi sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, nhiều chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) được sáp nhập để tối ưu hóa việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Điều này không chỉ nhằm cải thiện hiệu quả công tác quản lý đất đai mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai.

Ví dụ như vừa qua, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 537/QĐ-TTPVHCC về việc một số chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại 1 số quận, huyện và thị xã của TP. Hà Nội sẽ được sáp nhập và chuyển về các địa điểm mới để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Theo đó, chi nhánh VPĐKĐĐ các quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng đã được chuyển gộp chung về Chi nhánh số 04 Trung tâm Phục vụ hành chính công tại Tòa nhà Liên cơ, số 8, ngõ 6 Bùi Huy Bích, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai.

Hay Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội trước đây ở số 1 Hoàng Đạo Thuý, Thanh Xuân đã được chuyển về Chi nhánh số 01 Trung tâm Phục vụ hành chính công: Số 258, Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ.

Hiện nay, theo Điều 13 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện các chức năng tương tự như Văn phòng Đăng ký đất đai, nhưng tại cấp huyện hoặc khu vực, bao gồm việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đo đạc và chỉnh lý bản đồ địa chính.

Do vậy, việc sáp nhập các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai không làm thay đổi bản chất của các thủ tục hành chính mà chỉ nâng cao tính đồng bộ và hiệu quả trong công tác quản lý đất đai.

Tại Hà Nội, nhiều chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đã được sáp nhập (Ảnh minh họa)

3. Một số ảnh hưởng khác tới giá đất và thị trường bất động sản

Căn cứ Điều 159 Luật Đất đai 2024 quy định, bảng giá đất được xác định dựa trên khu vực và vị trí, cũng như các yếu tố quy hoạch, hạ tầng. Vì vậy, khi có sự thay đổi về địa giới hành chính lớn như sáp nhập tỉnh hoặc nâng cấp huyện lên thành phố, bảng giá đất tại các khu vực bị tác động sẽ có sự điều chỉnh.

Theo đó, thông thường giá trị bất động sản có xu hướng tăng nhờ kỳ vọng về hạ tầng và sự phát triển đô thị, đặc biệt là trong các khu vực được định hướng trở thành trung tâm hành chính mới, tạo ra làn sóng đầu tư ngay từ khi thông tin sáp nhập mới chỉ là định hướng.

Ví dụ, sau khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội vào năm 2008, giá đất ở khu vực Hà Đông và Hoài Đức đã tăng gấp 2-3 lần. Tương tự, giá đất nền tại Thủ Đức đã tăng mạnh khi khu vực này trở thành thành phố trực thuộc TP.HCM vào năm 2021.

Tuy nhiên, sự biến động của thị trường bất động sản không chỉ dừng lại ở yếu tố giá đất tăng. Khi sáp nhập các tỉnh thành, ngoài cơ hội phát triển, cũng tiềm ẩn những rủi ro như sốt đất ảo do tâm lý đầu cơ. Các nhà đầu tư và người dân cần thận trọng, theo dõi sát các thông tin chính thống để có quyết định phù hợp.

Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về vấn đề Những thủ tục nào về đất đai sẽ thay đổi khi bỏ cấp huyện?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục