Điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho đất đai
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được quyền chuyển nhượng (bán), tặng cho quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:
1. Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp 02 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Theo quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013
Người nhận thừa kế quyền sử dụng đất nhưng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì không được cấp giấy chứng nhận nhưng được quyền chuyển nhượng, tặng cho.
Trường hợp 2: Theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013
Người sử dụng đất được quyền chuyển nhượng, tặng cho đất đai khi:
+ Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được quyền chuyển nhượng, tặng cho đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất;
+ Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho khi có điều kiện để cấp giấy chứng nhận (chưa cần có giấy chứng nhận).
2. Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
3. Đất không có tranh chấp;
4. Trong thời hạn sử dụng đất.
Xem chi tiết thời hạn sử dụng đất tại: Thời hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013
Lưu ý: Khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất thì phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và việc chuyển nhượng, tặng cho sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Xem thêm: Thủ tục tặng cho đất đai 2019: Toàn bộ hướng dẫn chi tiết nhất
4 trường hợp cấm mua bán đất đai (Ảnh minh họa)
04 trường hợp không được mua, nhận tặng cho đất đai
Theo Điều 191 Luật Đất đai 2013 thì có 04 trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, cụ thể:
Trường hợp 1: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
Ví dụ: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được mua, nhận tặng cho quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ nếu chưa đủ 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất và không được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không còn nhu cầu sử dụng đất…(theo khoản 1 Điều 40 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Trường hợp 2: Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp 3: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Vì theo theo quy định đất trồng lúa phải được sử dụng thường xuyên, đúng mục đích (đất trồng lúa không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục sẽ bị thu hồi).
Trường hợp 4: Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Ví dụ: Hộ gia đình, cá nhân sống ngoài khu vực rừng phòng hộ thì không được phép mua đất ở, đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trong khu vực rừng phòng hộ (theo khoản 2 Điều 192 Luật Đất đai 2013).
Lưu ý: Đất không được chuyển nhượng, tặng cho mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sẽ bị Nhà nước thu hồi (vì vi phạm pháp luật đất đai).
Kết luận: Dù bên bán, bên tặng cho có đủ điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho nhưng bên mua thì không được phép mua, nhận tặng cho nếu thuộc 04 trường hợp trên.
>> Thủ tục mua bán đất đai 2019: Toàn bộ hướng dẫn mới nhất
Khắc Niệm