- 1. Công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu là gì?
- 2. Hồ sơ thành lập công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu
- 3. Quy trình thực hiện thủ tục
- 3.1 Nộp hồ sơ
- 3.2 Giải quyết thủ tục
- 3.3 Nhận kết quả thành lập doanh nghiệp
- 4. Phí, lệ phí thành lập doanh nghiệp hiện nay
- 5. Những lợi ích mà công ty TNHH 1 thành viên đem lại
- 6. Lưu ý quan trọng khi thành lập công ty TNHH 1 thành viên
Thành lập công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu là thủ tục được nhiều người quan tâm. Bài viết này sẽ hướng dẫn quy trình, hồ sơ thực hiện thủ tục theo quy định mới nhất.
1. Công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu là gì?
Theo Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH 1 thành viên là doanh nghiệp chỉ có một đối tượng góp vốn duy nhất. Nếu tổ chức góp vốn thì đương nhiên là chủ sở hữu công ty và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp.
Ví dụ: Tổ chức dùng 1 tỷ đồng tiền Việt Nam để thành lập công ty TNHH 1 thành viên. Trong trường hợp công ty TNHH này làm ăn thua lỗ, nợ nần…thì chủ sở hữu chỉ phải trả nợ trong phạm vi 1 tỷ đồng mà không cần huy động thêm tài sản cá nhân.
Công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Hồ sơ thành lập công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu
Căn cứ Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, để đăng ký thành lập công ty TNHH 1 thành viên thì cần những tài liệu sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu;
- Bản sao Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trường hợp công ty TNHH 1 thành viên có vốn nước ngoài);
- Bản sao Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước);
- Bản sao Giấy tờ pháp lý của cá nhân của người đại diện theo ủy quyền;
- Bản sao Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;
*Lưu ý: Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài, bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
- Văn bản ủy quyền và Bản sao Giấy tờ chứng thực cá nhân đối với người được chủ sở hữu ủy quyền thực hiện thủ tục.
3. Quy trình thực hiện thủ tục
Sau khi chuẩn bị hồ sơ như hướng dẫn tại Mục 2 nêu trên, việc nộp và xử lý hồ sơ này sẽ diễn ra như sau:
3.1 Nộp hồ sơ
Căn cứ Khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp, người thực hiện thủ tục có 3 cách để nộp hồ sơ:
- Nộp tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành nơi công ty đặt trụ sở chính;
- Nộp qua đường bưu điện tới Phòng ĐKKD – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành nơi công ty đặt trụ sở chính;
- Nộp hồ sơ online tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia bằng tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số cá nhân.
Sau khi nộp thành công, Phòng ĐKKD sẽ gửi Giấy biên nhận giải quyết hồ sơ. Người nộp hồ sơ cần giữ văn bản này để nộp lại khi hồ sơ hợp lệ.
*Lưu ý: Đối với công ty dự kiến hoạt động tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì phải nộp hồ sơ bằng hình thức online.
3.2 Giải quyết thủ tục
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng ĐKKD sẽ tiến hành xét duyệt, kiểm tra. Nếu hồ sơ hợp lệ, Bộ phận một cửa phòng ĐKKD sẽ trao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho người thực hiện thủ tục.
Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan ĐKKD phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người nộp hồ sơ. Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc.
3.3 Nhận kết quả thành lập doanh nghiệp
Người thực hiện thủ tục có thể nhận kết quả hồ sơ thông qua một trong các phương thức sau:
(i) Nhận tại Bộ phận một cửa - Phòng ĐKKD
Người nhận kết quả phải mang các giấy tờ sau:
- Giấy biên nhận giải quyết hồ sơ;
- Trường hợp không phải người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nhận kết quả thì người được ủy quyền phải nộp:
+ Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp;
+ Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân sau đây:
- Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực;
- Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
(ii) Nhận kết quả qua đường bưu điện
Doanh nghiệp truy cập website hỗ trợ kết quả tại nhà, nhập mã biên nhận, email và xác nhận bằng mã capcha để đăng ký nhận chuyển phát.
4. Phí, lệ phí thành lập doanh nghiệp hiện nay
Theo biểu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 47/2019/TT-BTC, để thành lập công ty TNHH 1 thành viên cần nộp các loại phí, lệ phí sau:
- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng/lần;
- Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/lần.
*Lưu ý: Miễn lệ phí đối với trường hợp đăng ký qua mạng điện tử, đăng ký thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
5. Những lợi ích mà công ty TNHH 1 thành viên đem lại
Công ty TNHH 1 thành viên đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho chủ sở hữu là tổ chức, cụ thể:
- Tùy mức độ lớn – nhỏ mà công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ có thể vận hành theo một trong hai mô hình nêu tại Điều 79 Luật Doanh nghiệp:
- Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
- Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Do vậy, chủ sở hữu có thể linh hoạt lựa chọn bộ máy quản lý – vận hành phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
- Trách nhiệm hữu hạn: Chủ sở hữu không phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các khoản nợ của công ty, đồng nghĩa với việc tài sản cá nhân của tổ chức là chủ sở hữu được bảo vệ khỏi những rủi ro tài chính của công ty;
- Việc ra quyết định và quản lý tương đối dễ dàng, bởi công ty chỉ có một chủ sở hữu duy nhất;
- Công ty TNHH 1 thành viên được thành lập sẽ hỗ trợ tốt cho chủ sở hữu:
Ví dụ: Chủ sở hữu (tổ chức) sản xuất ô tô có thể thành lập thêm công ty TNHH 1 thành viên để sản xuất động cơ.
- Công ty TNHH 1 thành viên sau khi thành lập cũng có quyền phát triển kinh doanh độc lập mà không bị phụ thuộc ngành nghề như chi nhánh (vì theo Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp, chi nhánh phải có ngành, nghề giống với công ty).
6. Lưu ý quan trọng khi thành lập công ty TNHH 1 thành viên
Việc thành lập doanh nghiệp hiện nay cần đáp ứng được các yêu cầu pháp luật căn bản nhưng quan trọng sau:
- Tên công ty:
- Phải có 2 thành tố là “Công ty TNHH…” và tên riêng để gắn tại trụ sở, các đơn vị phụ thuộc (nếu có), ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp đồng…;
- Tên doanh nghiệp không được vi phạm những trường hợp được hướng dẫn tại Điều 38 và Khoản 1, 2 Điều 41 Luật Doanh nghiệp (Ví dụ: đặt tên trùng, gây nhầm lẫn…).
- Địa chỉ trụ sở: không được sử dụng nhà chung cư, nhà tập thể…để thành lập doanh nghiệp (Căn cứ: Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014).
- Người đại diện theo pháp luật: cá nhân trở thành người thay mặt công ty giải quyết, xử lý công việc điều hành, ký hợp đồng…phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không nằm trong những trường hợp bị cấm quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
Trên đây là nội dung hướng dẫn thủ tục thành lập công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu theo Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn. Nếu còn thắc mắc, xin mời quý khách hàng liên hệ với LuatVietnam để được hỗ trợ chi tiết hơn.