Sau ly hôn, vợ có thể phải cấp dưỡng cho chồng?

Cấp dưỡng sau ly hôn thường được đặt ra giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, liệu có trường hợp nào vợ phải cấp dưỡng cho chồng sau khi ly hôn không?


Khi nào vợ phải cấp dưỡng cho chồng sau khi ly hôn?

Theo khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình  (Luật HN&GĐ) 2014, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng khi người đó là người:

- Chưa thành niên;

- Đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

- Gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định.

Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định.

Theo đó, sau khi ly hôn, thông thường nghĩa vụ cấp dưỡng được đặt ra với cha, mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con (theo khoản 2 Điều 82 Luật HN&GĐ 2014). Đây là nghĩa vụ bắt buộc nếu cha, mẹ không có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, cấp dưỡng sau khi ly hôn không chỉ áp dụng với cha, mẹ và con mà còn áp dụng với vợ, chồng. Cụ thể, Điều 115 Luật HN&GĐ nêu rõ:

Khi ly hôn, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình

Tuy nhiên, Luật không quy định cụ thể “khó khăn, túng thiếu” đến mức nào thì vợ, chồng sau khi ly hôn phải cấp dưỡng cho nhau. Do đó, việc nhận định khi nào vợ chồng sau khi ly hôn phải cấp dưỡng cho người còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định của Tòa án.

Thực tế cho thấy, sau khi ly hôn, nhiều cặp vợ chồng sẽ không còn muốn “dính dáng” đến nhau nữa nên chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết, quá khó khăn thì một trong hai người mới muốn người còn lại cấp dưỡng.

Như vậy, tùy vào từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể cũng như lý do chính đáng theo quy định của pháp luật, người vợ vẫn có thể phải cấp dưỡng cho chồng sau khi đã ly hôn. Để được hỗ trợ tư vấn trực tuyến về vấn đề này, độc giả có thể liên hệ 1900.6192.


Vợ phải cấp dưỡng cho chồng sau khi ly hôn? (Ảnh minh họa)

Trường hợp nào vợ được ngừng cấp dưỡng cho chồng?

Mặc dù vợ có thể phải cấp dưỡng cho chồng nhưng mức cấp dưỡng sẽ được thực hiện “theo khả năng của người cấp dưỡng”. Do đó, khi hai bên có thỏa thuận được thì thực hiện theo mức cấp dưỡng đó. Ngược lại, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Và việc thay đổi này cũng do các bên thỏa thuận. Chỉ khi không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Dù vậy, không phải mọi trường hợp vợ đã cấp dưỡng cho chồng sau khi ly hôn thì phải luôn thực hiện nghĩa vụ này. Bởi tại Điều 118 Luật HN&GĐ, nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ bị chấm dứt khi:

- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;

- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

- Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;

- Trường hợp khác.

Căn cứ quy định trên, vợ hoặc chồng phải cấp dưỡng cho người còn lại sau khi ly hôn sẽ được chấm dứt nghĩa vụ này nếu:

- Do hai bên thỏa thuận;

- Do người được cấp dưỡng sau khi ly hôn thì đã kết hôn với người khác;

- Người được cấp dưỡng hoặc người cấp dưỡng chết.

Trên đây là quy định về việc vợ có thể phải cấp dưỡng cho chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện nay. Ngoài ra, về vấn đề ly hôn, các cặp vợ chồng nên biết thêm thông tin tại bài viết dưới đây:

>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?

>> Mẫu Đơn ly hôn chuẩn của Tòa án và thủ tục ly hôn nhanh nhất

>> Cha mẹ ly hôn phải cấp dưỡng cho con đến bao nhiêu tuổi?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.