Vợ chồng làm thủ tục ly hôn ở tỉnh khác được không?

Một trong những vấn đề khiến nhiều cặp vợ chồng muốn ly hôn đau đầu là sẽ nộp đơn ly hôn ở đâu. Vậy pháp luật có cho phép vợ chồng được ly hôn ở tỉnh khác với tỉnh có nơi đăng ký thường trú không?


Làm thủ tục ly hôn đơn phương ở nơi đang tạm trú được không?

Câu hỏi:

Tôi với chồng hiện đang sống ly thân. Sau khi quyết định ly thân, tôi đã chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để sinh sống và làm việc. Nhưng chồng tôi vẫn thường xuyên làm phiền, đe doạ, gọi điện chửi bới khiến cuộc sống trong này của tôi vô cùng khó chịu, ngột ngạt. Dù vậy, tôi nghe nói anh ta ở quê đã có người yêu mới rồi.

Vậy cho tôi hỏi, tôi ở TP. Hồ Chí Minh mà không ở quê và tình trạng của tôi như trên thì có được tự mình nộp đơn ly hôn tại TP. Hồ Chí Minh không? Hiện nay, tôi đã đăng ký tạm trú tại TP. Hồ Chí Minh rồi. Tôi cảm ơn nhiều ạ.

Trả lời:

Điều kiện để được ly hôn đơn phương

Theo trường hợp bạn trình bày thì bạn đang muốn ly hôn đơn phương hay còn được pháp luật quy định là ly hôn theo yêu cầu của một bên tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể, trường hợp này được quy định như sau:

- Người yêu cầu ly hôn: Một trong hai người vợ hoặc chồng.

- Điều kiện được Toà án giải quyết khi ly hôn đơn phương:

+ Hai vợ chồng không hoà giải được tại Toà án.

+ Có căn cứ về việc vợ chồng bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng như: Nghĩa vụ thương yêu, chung thuỷ, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; chia sẻ công việc nhà; sống chung với nhau trừ có thoả thuận khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau; thường xuyên chửi bới, đánh đập nhau...

+ Cuộc sống vợ chồng trở nên trầm trọng, không thể kéo dài cuộc sống hôn nhân, mục đích khi hai vợ chồng kết hôn không đạt được, đã nhiều lần được hoà giải, nhắc nhở nhưng vợ chồng không thể khắc phục được tình trạng này...

Nếu có đầy đủ các biểu hiện nêu trên thì bạn sẽ được Toà án đồng ý giải quyết cho ly hôn. Do câu hỏi của bạn chưa nêu cụ thể về tình huống nhưng xét qua có thể thấy như sau:

- Hai bạn hiện đang ly thân: Mặc dù pháp luật cho phép hai vợ chồng có thể không cần phải chung sống với nhau mà do hai vợ chồng tự thoả thuận nhưng trong trường hợp của bạn, khi đã quyết định ly thân và không sống chung với nhau nữa, có thể thấy tình trạng hôn nhân của hai bạn đã khá nghiêm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được.

- Việc chồng bạn hiện có bạn gái mới: Đây chỉ là vấn đề bạn được "nghe nói" mà không có chứng cứ cụ thể nên chưa thể xem xét là "có căn cứ cho việc chồng bạn vi phạm nghĩa vụ, quyền hạn của vợ chồng". Do đó, bạn cần phải xác minh cụ thể thông tin này và cần có bằng chứng cho việc ngoại tình của chồng bạn thì mới có căn cứ để yêu cầu Toà án ly hôn.

Xét các yếu tố nêu trên, bạn vẫn có thể được ly hôn đơn phương.

Nơi nộp đơn ly hôn đơn phương

Ly hôn đơn phương là một trong những vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Đồng thời, theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật này, thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn đơn phương là Toà án nơi bị đơn (người bị yêu cầu ly hôn) cư trú, làm việc.

Do đó, nếu bạn muốn ly hôn đơn phương với chồng thì bạn phải nộp đơn tại Toà án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn thường trú/tạm trú hoặc làm việc mà không được nộp tại nơi bạn cư trú.

Lưu ý: Theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bạn chỉ được quyền chọn Toà án giải quyết ly hôn đơn phương nếu chồng bạn không có nơi cư trú, làm việc ở Việt Nam.

Căn cứ các quy định trên, bạn có cơ sở để yêu cầu ly hôn đơn phương nhưng phải nộp đơn tại Toà án cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú hoặc làm việc mà không được nộp tại TP. Hồ Chí Minh nơi bạn đang sinh sống.

vo chong ly hon o tinh khac


Có được ly hôn thuận tình khi vợ, chồng không sống cùng tỉnh?

Câu hỏi:

Hai vợ chồng em đang muốn ly hôn thuận tình nhưng hiện tại chồng em đang ở Bắc Giang, bận công việc chưa thể về quê được còn em thì cũng mới chuyển về quê ngoại ở Long An sống. Vậy bọn em có được ly hôn thuận tình khi hai vợ chồng có hai nơi sinh sống khác nhau không ạ? Và bọn em sẽ phải nộp đơn ly hôn ở địa phương nào? Hay bắt buộc phải về quê. Hai vợ chồng em đang đăng ký thường trú tại Nghệ An. Em chân thành cảm ơn ạ.

Trả lời:

Khi hai vợ chồng bạn chọn hình thức ly hôn thuận tình tức là đã thoả thuận được với nhau về các vấn đề: Chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai người, phân chia tài sản chung, nuôi dưỡng, chăm sóc con, giải quyết nợ chung (nếu có)...

Bởi vậy, dù sống ở hai nơi khác nhau nhưng hai bạn hoàn toàn có quyền ly hôn thuận tình.

Ngoài ra, căn cứ điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khi vợ chồng ly hôn thuận tình, Toà án có thẩm quyền giải quyết là Toà án của một trong hai bên vợ chồng cư trú hoặc làm việc nếu hai vợ chồng có nơi cư trú/làm việc khác nhau. Nếu hai vợ, chồng có nơi cư trú giống nhau thì nộp tại Toà án nhân dân cấp huyện của nơi đó.

Như vậy, nếu hai bạn hiện đang sống ở hai tỉnh khác nhau thì có thể thoả thuận nộp đơn ly hôn thuận tình tại nơi cư trú hoặc làm việc của một trong hai bên.

Về nơi nộp hồ sơ, căn cứ trình bày của bạn:

- Bắc Giang là nơi chồng bạn làm việc;

- Long An là nơi bạn đang sinh sống nhưng bạn không đề cập đến việc bạn đã đăng ký tạm trú hay hiện có đang làm việc tại đây không nên xem như đây chỉ là nơi bạn sinh sống không phải tạm trú hay làm việc;

- Nghệ An là nơi hai vợ chồng bạn thường trú.

Do đó, hai vợ chồng có thể thoả thuận nộp đơn ly hôn tại Bắc Giang hoặc Nghệ An.

Trên đây là phân tích về việc vợ chồng ly hôn ở tỉnh khác được không? Nếu còn thắc mắc khác liên quan vấn đề ly hôn, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Tự ý bỏ cọc mua đất, người mua phải bồi thường thế nào?

Tự ý bỏ cọc mua đất, người mua phải bồi thường thế nào?

Tự ý bỏ cọc mua đất, người mua phải bồi thường thế nào?

Khi chưa thể thực hiện ngay việc mua bán đất nhưng muốn được “đảm bảo” sẽ mua bán thuận lợi, các bên thường chọn ký hợp đồng đặt cọc mua bán đất. Tuy nhiên, khi không đủ điều kiện để thực hiện tiếp hợp đồng mua bán đất, người mua phải bồi thường thế nào với hợp đồng đặt cọc đã ký?