Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi được gửi đến tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam.
1. Tài sản mua sau khi cưới, vợ, chồng có được đứng tên 1 mình?
Trả lời:
Trước hết để xác định bạn có được đứng tên một mình trên Sổ đỏ không thì phải xem xét miếng đất này bạn mua bằng tài sản chung hay tài sản riêng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng trừ trường hợp:
- Vợ, chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng.
- Vợ, chồng có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Đồng thời, nếu không có căn cứ chứng minh tài sản tranh chấp là tài sản riêng thì nó sẽ được coi là tài sản chung.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai năm 2024 nêu rõ:
4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người để đứng tên làm đại diện cho vợ và chồng.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.
Đây cũng là quy định được nêu tại khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình:
Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Theo quy định này, khi nhà, đất là tài sản chung vợ, chồng thì phải ghi cả tên vợ và tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay thường gọi là Sổ đỏ) trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Từ các quy định trên, có thể hiểu, nếu sau khi kết hôn, vợ, chồng mua đất thì đây sẽ là tài sản chung vợ chồng và được ghi tên cả hai người trừ trường hợp mua bằng tiền riêng của một trong hai hoặc hai người có thỏa thuận chỉ đứng tên một người hoặc thỏa thuận đây là tài sản riêng.
Như vậy, với trường hợp của bạn, nếu bạn mua đất bằng tiền riêng của mình thì Sổ đỏ có thể đứng tên một mình bạn nhưng nếu sau này có tranh chấp thì bạn phải chứng minh được đây là đất do bạn dùng tài sản riêng của mình mua.
Ngược lại, nếu bạn mua đất bằng tiền chung của hai vợ, chồng, không có văn bản thỏa thuận của hai người về việc Sổ đỏ là tài sản riêng của vợ thì dù Sổ đỏ chỉ đứng tên mình bạn nhưng đây vẫn là tài sản chung vợ chồng. Khi mua bán, tặng cho…đều cần chồng đồng ý.
2. Thủ tục đứng tên Sổ đỏ 1 mình của vợ, chồng
Trả lời:
Như phân tích ở trên, nếu dùng tài sản được tặng cho riêng để mua đất thì bạn hoàn toàn có quyền đứng tên một mình trên Sổ đỏ. Khi đó, thủ tục sang tên Sổ đó đứng tên một người thực hiện như sau:
2.1 Công chứng hợp đồng mua bán
2.1.1 Hồ sơ cần chuẩn bị
- Giấy tờ tùy thân: Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hạn.
- Sổ đỏ
2.1.2 Nơi công chứng hợp đồng mua bán
Bên mua và bên bán cùng đến Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng nơi có đất để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng mua bán đất.
2.1.3 Thời gian thực hiện
Không quá 02 ngày làm việc. Nếu hợp đồng có nội dung phức tạp thì thời gian này có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày làm việc (theo khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng 2014).
2.1.4 Phí và thù lao công chứng
Hiện nay, phí công chứng đang tính theo giá trị tài sản và thù lao công chứng theo quy định của từng tổ chức hành nghề công chứng nhưng không được quá mức quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
2.2 Thủ tục sang tên Sổ đỏ
2.2.1 Hồ sơ
- Đơn đăng ký biến động
- Hợp đồng mua bán
- Sổ đỏ
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân kèm giấy tờ căn cứ thuộc đối tượng được miễn thuế (nếu có).
- Tờ khai lệ phí trước bạ.
2.2.2 Nơi nộp hồ sơ
Để nộp hồ sơ sang tên, cá nhân có thể đến:
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.
- Tại địa phương đã có bộ phận Một cửa thì nộp tại bộ phận này, nếu chưa có thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện/Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện…
2.2.3 Thời gian giải quyết
- Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Không quá 20 ngày: Với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Có thể thấy, để đứng tên một người hay đứng tên cả hai vợ chồng thì thủ tục công chứng và sang tên không hề khác nhau.
Nếu có tranh chấp xảy ra thì các bên cần phải cung cấp chứng cứ về việc tiền dùng để mua nhà, đất là tài sản riêng của mình hoặc các bên có văn bản thỏa thuận tài sản riêng hoặc văn bản thỏa thuận đứng tên Sổ đỏ một mình.
Để trình bày trường hợp cụ thể của bạn để nhận được sự tư vấn cụ thể của Luật sư và các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam, bạn đọc có thể liên hệ 1900.6192.
3. Sổ đỏ tên một người là tài sản chung hay riêng?
Trả lời:
Để xác định Sổ đỏ tên một người là tài sản chung hay tài sản riêng vợ chồng thì trước hết phải xác định được nguồn gốc hình thành của quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đó.
Theo đó, tài sản chung vợ chồng được quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh.
- Hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng.
- Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân: Tiền thưởng, tiền trúng xổ số, tiền trợ cấp…
- Quyền sử dụng đất có sau khi kết hôn trừ trường hợp được thừa kế, tặng cho riêng hoặc thực hiện bằng tài sản riêng.
- Tài sản tranh chấp mà không có căn cứ chứng minh đấy là tài sản riêng.
Trong khi đó, tài sản riêng của vợ, chồng được quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình gồm:
- Tài sản mỗi người có trước khi kết hôn;
- Tài sản được thừa kế, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.
- Tài sản được chia riêng khi phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân…
Căn cứ các quy định này, với trường hợp của bạn, bạn không biết sự tồn tại của miếng đất mà vợ bạn đang đứng tên trên Sổ đỏ và Sổ đỏ được cấp sau ngày hai bạn kết hôn. Do đó, để xác định đây là tài sản chung hay tài sản riêng thì bạn cần phải nói chuyện với vợ về nguồn gốc hình thành của miếng đất này:
- Nếu vợ bạn dùng tiền chung của hai vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân thì đây là tài sản chung vợ, chồng dù Sổ đỏ chỉ đứng tên mình bạn.
- Nếu vợ bạn dùng tiền được bố mẹ, bạn bè… tặng cho riêng, thừa kế riêng thì đây là tài sản riêng của mình vợ bạn.
Trong trường hợp vợ bạn không cung cấp được bằng chứng chứng minh đây là tài sản riêng của vợ bạn thì theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, đây sẽ được coi là tài sản chung vợ chồng:
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, để xác định được tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào là tài sản chung cần phải xem xét đến nguồn gốc hình thành tài sản đó là của cả hai vợ chồng hay chỉ của một trong hai người.
4. Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng, vợ có bị mất quyền lợi không?
Trả lời:
Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc định đoạt, sử dụng, chiếm hữu tài sản của vợ, chồng.
Theo đó, nếu là tài sản chung vợ, chồng thì hai vợ chồng định đoạt, sử dụng theo thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì mỗi người sẽ bình đẳng với nhau về việc sử dụng, định đoạt.
Trong khi đó, nếu là tài sản riêng vợ, chồng thì theo khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình, đây là tài sản của mình vợ hoặc mình chồng và người này có mọi quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt toàn bộ tài sản riêng, nhập hoặc không nhập vào tài sản chung vợ, chồng.
Đồng thời, theo các phân tích ở trên, nếu tài sản tranh chấp không chứng minh được đấy là tài sản riêng (được tặng cho riêng, thừa kế riêng…) thì sẽ là tài sản chung. Những tài sản được hình thành từ tài sản chung thì là tài sản chung nếu không có thỏa thuận khác.
Đặc biệt, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có sau khi kết hôn là tài sản chung của cả hai trừ trường hợp được tặng cho riêng, thừa kế riêng hoặc có thỏa thuận riêng.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, nếu tài sản chung đã ghi tên một người thì có thể yêu cầu cấp đổi thành tên của cả hai vợ chồng.
Theo tình huống của bạn, căn chung cư này do hai vợ, chồng thỏa thuận và được mua bằng tiền chung của hai người nên dù chỉ mình chồng bạn đứng tên thì đây vẫn là tài sản chung của hai người.
Do đó, nếu ly hôn thì tài sản này vẫn được chia đôi nhưng có căn cứ thêm các yếu tố nêu tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình:
- Hoàn cảnh của gia đình, vợ, chồng.
- Công sức đóng góp, lao động trong gia đình.
- Lỗi của mỗi bên vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng…
Do chồng bạn ngoại tình, bạn có đầy đủ bằng chứng thì có thể sẽ nhận được phần hơn khi chia tài sản chung nếu hai người ly hôn.
Ngoài ra, độc giả có thể tham khảo thêm bài viết dưới đây: Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng, khi bán có cần chữ ký của vợ?
Trên đây là một số giải đáp thắc mắc xung quanh vấn đề đứng tên một mình trên Sổ đỏ sau khi kết hôn của vợ chồng. Nếu trường hợp của bạn không giống như bài viết đã đề cập, các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam sẵn sàng giải thích rõ ràng hơn với bạn thông qua tổng đài 1900.6192.