Vay tiền qua app: Lãi suất “cắt cổ”, không trả có sao không?

Vay tiền qua app (ứng dụng điện thoại) đáp ứng được nhu cầu tài chính tức thời cho nhiều người, thế nhưng cũng khiến rất nhiều người “hãi hùng” bởi lãi suất cắt cổ và cách thức đòi nợ của chủ sở hữu những ứng dụng cho vay này.

Dưới đây là một số tình huống điển hình về vay tiền qua app được gửi tới LuatVietnam thông qua tổng đài trực tuyến 1900.6192.


Vay qua app lãi suất cao không trả có được không? 

Câu hỏi: Do có việc gấp cần tiền, tôi “liều” vay tiền qua app T.C với số tiền chỉ 1,6 triệu đồng, nhưng thực chất app chỉ gửi vào tài khoản của tôi 1 triệu đồng (số còn lại trừ vào các loại phí). Sau một tuần, tôi phải trả đầy đủ 1,6 triệu đồng. Tính ra, lãi suất mà tôi phải chịu là 8,6%/ngày. Mức lãi suất này có đúng với quy định của pháp luật? nếu không đúng, tôi có quyền không trả có được không? - Trọng An (Lâm Đồng)

Vay tiền qua app thực chất là một hình thức vay tín chấp. Theo quy định của khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm.

Trong trường hợp của bạn, lãi suất mà bạn đang phải trả lên đến mức 8,6%/ngày, tức là hơn 3000%/năm. Do đó, mức lãi suất này vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự, bạn vẫn phải trả lại số tiền đã vay của app và phần lãi suất tối đa 20%.

vay tien qua app

Vay tiền qua app - "con dao" mà người vay luôn nắm đằng lưỡi (Ảnh minh họa)


Không vay tiền qua app nhưng vẫn bị làm phiền, phải làm sao?

Câu hỏi: Em dâu của tôi vay tiền qua app. Thời gian gần đây, tôi liên tục phải nghe những cuộc điện thoại của người tự xưng bên app vay tiền với nội dung yêu cầu thúc giục em dâu tôi phải trả nợ. Dù tôi đã nói là không liên quan và chặn số nhưng bên app vẫn lấy nhiều số khác để gọi, khiến tôi hết sức bực mình vì bị quấy rầy ngày đêm. Tôi phải làm gì trong trường hợp này? Em dâu tôi hiện đã vỡ nợ và bỏ trốn - Thu Minh (Thanh Hóa)

Khi làm thủ tục vay tiền qua app, thông thường các app này yêu cầu người vay phải cho phép app truy cập danh bạ điện thoại. Vì vậy, phát sinh những tình huống người vay không trả nợ đúng hạn thì chủ sở hữu app sẽ gọi điện quấy rầy người thân, nhằm tạo sức ép cho người vay phải trả nợ.

Theo điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối người khác sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Từ căn cứ đó, bạn có thể tìm ra thông tin chủ sở hữu của app này, tố cáo hành vi quấy rối qua điện thoại với cơ quan công an. Đồng thời, ghi âm cuộc gọi và khiếu nại lên nhà mạng mà mình là khách hàng hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở Thông tin và truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết

Riêng trường hợp chủ sở hữu app là công ty tài chính, hiện nay, theo quy định Thông tư 18/2019/TT-NHNN, các công ty tài chính không được gọi điện cho người thân của khách hàng vay để đôn đốc, thu hồi nợ.


Vay qua app không trả được bị đăng ảnh, thông tin lên Facebook

Câu hỏi: Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh khiến cuộc sống của tôi rất khó khăn. Tôi vay 10 triệu đồng qua app T.B, do không kịp trả lãi, chỉ sau một tháng số tiền đã lên đến hơn 30 triệu đồng và tôi gần như không có khả năng trả. Sau nhiều lần thúc giục, người của app này đăng ảnh tôi lên Facebook với lời lẽ đe dọa, xúc phạm, vu khống. Xin hỏi tôi có thể nhờ cơ quan chức năng xử lý can thiệp được không? - Văn Đức (Hà Nội)

Theo điểm a khoản 1 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:

- Phạt từ 10 - 20 triệu đồng nếu thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;

- Phạt từ 20 - 30 triệu đồng nếu thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Trong trường hợp bạn bị bôi nhọ, vu khống trên Facebook, người thực hiện hành vi vi phạm cũng bị phạt đến 20 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020. Nghiêm trọng hơn, có thể bị xử lý về Tội làm nhục người khác hoặc Tội vu khống theo Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015.

Như vậy, nếu bị đăng ảnh trên Facebook, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh của mình gỡ bỏ những hình ảnh đó và tố cáo tới cơ quan công an để xử lý vi phạm theo quy định nêu trên.


Làm sao để biết app vay tiền nào uy tín, hợp pháp?

Câu hỏi: Xung quanh tôi rất nhiều người khốn đốn vì vay tiền qua app. Giải ngân nhanh gọn nhưng lãi suất cắt cổ khiến chẳng mấy chốc mà lãi mẹ đẻ lãi con. Khi họ không trả nợ đúng hạn thì quấy rầy, đe dọa, gọi điện làm phiền người thân, bạn bè. Vậy liệu có app vay tiền nào uy tín không? Làm cách nào để nhận biết? - Lan Anh (Hà Nội)

Theo khuyến cáo của Bộ Công an, trước tiên, bạn cần tìm hiểu xem app vay tiền đó thuộc sở hữu của công ty nào, có đầy đủ các thông tin như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…).

Tiếp theo, lãi suất cho vay phải trong giới hạn quy định của Bộ luật Dân sự (không quá 20%/năm). Và đặc biệt, app không yêu cầu khách hàng phải cho phép truy cập vào danh bạ, truy cập tài khoản mạng xã hội của mình…

Nếu đã vay tiền và phát hiện app có dấu hiệu cho vay nặng lãi, cần sớm tất toán các khoản nợ; nếu bị các đối tượng đe dọa, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất bằng đơn hoặc qua điện thoại.

Trên đây là giải đáp cho một số thắc mắc liên quan đến Vay tiền qua app. Nếu có thêm thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài trực tuyến của LuatVietnam: 1900.6192.

Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi? Các quy định liên quan tuổi vị thành niên

Tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi? Các quy định liên quan tuổi vị thành niên

Tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi? Các quy định liên quan tuổi vị thành niên

Tuổi vị thành niên là giai đoạn trẻ em có sự thay đổi rõ ràng trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Vậy độ tuổi nào được xem là trẻ vị thành niên? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết dưới đây nhé.